MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUYỀN ĐƯỢC CHẾT ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT AN TỬ Ở VN HIỆN NAY
MỤC LỤC
Nội dung
Mục lục
Mở đầu
Chương I. Một số vấn đề lý luận cơ bản về quyền được chết
I. Khái niệm quyền được chết
1. Nguồn gốc hình thành ý tưởng về quyền được chết
2. Khái niệm quyền được chết
II. Các tiêu chí cần thiết để thực hiện quyền được chết
1. Tiêu chí về y học
2. Tiêu chí về luật pháp
III. Ý nghĩa của vấn đề thực hiện quyền được chết trong giai đoạn hiện nay.
1. Ý nghĩa pháp lý
2. Ý nghĩa xã hội
Chương II. Tình hình quy định của pháp luật về quyền được chết trong giai đoạn hiện nay
I. Quy định của một số nước trên thế giới.
1. Các quốc gia đã hợp pháp hóa quyền được chết và Luật An tử
2. Các quốc gia chưa hợp pháp hóa hay quy định một phần
II. Quy định của Việt Nam
III. Những quan điểm cơ bản đang tồn tại về ghi nhận quyền được chết trong giai đoạn hiện nay
1. Những quan điểm phản đối.
2. Những quan điểm ủng hộ
3. Quan điểm của Việt Nam hiện nay.
Chương III. Một số kiến nghị đề xuất về xây dựng Luật an tử ở Việt Nam
I. Đánh giá về xu hướng xây dựng Luật An tử ở Việt nam
1. Một vấn đề còn nằm trong tương lai.
2. Điều kiện để một quốc gia có thể ban hành Luật An tử.
3. Nếu quyền được chết được ghi nhận trong hệ thống pháp
luật
II. Phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật An tử
III. Kiến nghị một số biện pháp để thực hiện việc tiếp cận với vấn đề quyền được chết và xây dựng Luật An tử ở việt Nam
1. Để quyền được chết không còn quá mới mẻ
2. Một số kiến nghị trong quá trình xây dựng Luật An tử
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
-------------------------------------------------------------------
MỞ ĐẦU
Chúng ta đang sống trong một thế giới bất ổn
Chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo và toàn cầu hóa đang làm thay đổi bộ mặt chung của thực tại
Ranh giới giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ trong gang tấc.
Quyền được sống? Bình thường, dễ hiểu. Quyền được chết? Còn rất mới mẻ và xa lạ.
Quyền được chết là một vấn đề còn để mở, bao hàm trong nó nhiều quan niệm khác nhau, đa phần là chống lại. Nó không chỉ còn là vấn đề của y học mà còn thuộc về chính trị, văn hóa, xã hội... Luật pháp xuất phát từ cuộc sống. Nhưng cuộc sống lại không đơn giản. Do đó, đôi khi luật dễ làm mà lại khó thực hiện. Nên gắn quyền được chết như là một quyền cơ bản của cá nhân và phải được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như các quyền cơ bản khác. Chỉ khi nào giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật pháp và xã hội thì quyền được chết mới trở thành một vấn đề như bao vấn đề khác. Nếu không, sẽ mãi chỉ là đặc biệt và phức tạp...
Tại Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu về quyền được chết. Người dân Việt hầu hết còn xa lạ với khái niệm này hoặc chỉ nghe mà chưa hiểu hết. Bên cạnh đó, truyền thống á Đông đang chi phối từng ngày, từng giờ. Do vậy, công trình muốn góp phần tìm hiểu về quyền được chết hiện nay với mong muốn quyền được chết sẽ không còn xa lạ với mọi người, để mọi người hiểu rõ được bản chất của “cái chết êm ả”. Bên cạnh đó, công trình đề cập đến một số vấn đề trong quá trình xây dựng Luật An tử ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu được xác định ở Việt Nam và trên thế giới theo hai hướng chấp nhận và không chấp nhận quyền được chết, đặc biệt là các quốc gia đã hợp pháp hóa Luật An tử với phương pháp: tổng hợp, so sánh và rút ra quan điểm riêng.
--------------------------------------------------------
Chương I
I. Khái niệm quyền được chết:
- Nguồn gốc hình thành ý tưởng về quyền được chết:
Quyền được chết ban đầu xuất hiện với những hành vi chưa hoàn toàn mang đúng bản chất của nó mà gắn liền với khái niệm: “cái chết êm ả”. Lịch sử của thuật ngữ euthanasia (Tiếng Anh) hay euthanasie (Tiếng Pháp), an tử (Tiếng Trung) mà chúng ta vẫn thường gọi là “cái chết êm ả” bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là “euthanatos”. Trong đó, eu là tốt, thanatos là chết. Danh từ này bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XVII, nhằm khuyến khích các bác sỹ quan tâm đến sự đau đớn của người bệnh và giúp đỡ người “gần đất xa trời” thoát khỏi thế giới này một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Như vậy, lúc đó chưa xuất hiện khái niệm quyền được chết như khoa học hiện đại nhưng đã có những hành vi trong quyền được chết.
Tới cuối thế kỷ XIX, khi con người đã tìm ra cách khống chế sự đau đớn, thuật ngữ này không còn bó hẹp với ý nghĩa giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn nữa, mà nó lại ám chỉ một hành động đặc biệt nhằm tạo ra cái chết của những bệnh nhân được coi là “vô phương cứu chữa”. Động thái này nhằm giúp bệnh nhân khỏi rơi vào tình trạng suy sụp khi ở vào giai đoạn cuối của những căn bệnh nan y. Từ khi xuất hiện đến nay, “cái chết êm ả” đã có những thay đổi khác nhau gắn liền với những phát triển của nền y khoa và văn minh nhân loại. Và dần dần, khái niệm quyền được chết được ra đời, mang theo nhiều vấn đề liên quan với nhau một cách phức tạp. Thực ra, “cái chết êm ả” là kết quả sau cùng của “quyền được chết” của một cá nhân nào đó. Cho nên, nếu nói đến quyền được chết thì khái niệm cái chết êm ả cũng đi liền, gắn bó hữu cơ với nhau. Thiết nghĩ, quyền được chết phải được ghi nhận như một quyền của cá nhân và cần được sự quan tâm thích đáng của mọi giới khoa học, đặc biệt là y học và luật học.
- Khái niệm quyền được chết
Trên lý thuyết, chỉ khi một quyền được quy định trong Bộ Luật Dân sự thì mới được công nhận là quyền nhân thân một cách chính thức (hợp pháp hóa). Quyền được chết là một quyền thực tế nhưng hiện tại, chỉ có ở một số nước hợp pháp hóa nó là quyền nhân thân. Nhiều nước, theo quan điểm của các nhà lập pháp và của các nhà khoa học, công nhận quyền được chết là quyền nhân thân nhưng chưa quy định trong Luật. Thực tế cho thấy có quy định hay không chỉ là vấn đề về mặt thời gian: có phù hợp với hiện tại hay không và hệ thống pháp luật có đồng bộ, thống nhất hay không mà thôi. Và khi chưa được công nhận, về mặt pháp luật một người thực hiện hành vi của quyền được chết (trợ giúp tự tử, thực hiện trực tiếp đưa bệnh nhân “ra đi” (chết)) được quy vào một số tội: giết người, giúp người khác tự sát, không cứu giúp người bị nạn... Vấn đề này sẽ được làm rõ hơn ở chương II.
Quyền được chết, một khi đã được công nhận thì sẽ có các khái niệm liên quan đến nó, như: trợ giúp tự tử, tình trạng bệnh giai đoạn cuối, bệnh vô phương cứu chữa, tình trạng y tế không lối thoát, an tử tự nguyện,... Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hành vi tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ, sau đó gần 10 năm mới hợp pháp hóa thành Luật An tử. Nước này không dùng khái niệm an tử tự nguyện (voluntary euthanasia) mà chỉ dùng khái niệm an tử (euthanasia) bởi theo họ, cái chết êm ả là đã phải bao hàm sự tự nguyện, nếu không có sự tự nguyện thì không thể gọi là an tử. Sự tự nguyện ở đây cần hiểu theo hai hướng:
· Tự nguyện được thực hiện cái chết êm ả khi còn tỉnh táo, có thể biểu lộ ý chí cá nhân của mình
· Tự nguyện chỉ định người đại diện cho mình trong trường hợp lúc rơi vào giai đoạn không ý thức, không biểu lộ được ý chí. Người này sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chữa bệnh của bệnh nhân.
Theo chủ quan của người viết, với những mục đích tốt đẹp của quyền được chết thì nên gọi “cái chết êm ả” là “cái chết nhân đạo” mới đúng. Điều này sẽ phản ánh đúng tính chất của hành vi và tránh khỏi những suy luận hiểu nhầm không đáng có.
Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền được chết. Giới khoa học hầu như chỉ tập trung vào việc xem xét xem nó có phù hợp với quốc gia mình hay không mà thôi. Tuy nhiên, nếu dựa vào nội dung của quyền được chết hiện nay được đa số quan điểm đồng tình và theo các đạo luật của các nước đã thông qua “cái chết êm ả” thì có thể rút ra khái niệm quyền được chết như sau:
Quyền được chết là một quyền nhân thân của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát.
Khái niệm trên là đúc kết của người viết nên chỉ có giá trị tham khảo. Thực ra, nội dung quyền được chết do tính phức tạp trong các điều kiện và quy trình thực hiện nên không chỉ dừng ở đó. Vì vậy, khái niệm này chỉ là tổng quát.
II. Các tiêu chí cần thiết để thực hiện quyền được chết
1. Tiêu chí về y học
1.1 Phạm vi các loại bệnh nhân
Đến nay, việc phân loại bệnh nhân trong cái chết êm ả còn nhiều quan điểm khác nhau, tồn tại ở các nước đã công nhận và chưa công nhận quyền được chết. Do đó, có nhiều dạng bệnh nhân được đề cập. Tuy nhiên, giới y học hầu hết thống nhất có 2 dạng bệnh nhân:
1.1.1 Những trường hợp chết não: “tình trạng toàn não bộ bị thương tổn nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được”[1]. Bệnh nhân sống hoàn toàn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như hô hấp, tuần hoàn và nuôi dưỡng nhân tạo... nếu rút máy thì coi như sự sống chấm dứt.
1.1.2 Trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục, có sống cũng chỉ là gánh nặng của gia đình (bản thân họ không còn biết khổ hay sướng). Đôi lúc người bệnh biểu lộ được ý chí của mình và hoàn toàn không sống nhờ các biện pháp nhân tạo. Trường hợp này bao gồm cả bệnh nhân chịu nhiều đau đớn kéo dài nhưng không mất ý thức thường xuyên.
Nguyên nhân để dẫn đến các tình trạng trên có thể là sau một tai nạn hay bị mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa.
Tại Hà Lan, nước này còn quy định cái chết êm ả đối với trẻ em. Những bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi cũng có quyền được chết êm ả nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ trên 16 tuổi, ý kiến gia đình là không cần thiết[2]. Tuy nhiên, với những quy định này, luật quy định rất chặt chẽ và giới hạn hành vi. Nhìn chung, đa số đều chống lại an tử đối với trẻ em nên chủ yếu vẫn là 2 dạng bệnh nhân ở trên.
1.2 Các cách thức thực hiện
Có 2 cách thức như sau:
1.2.1 Cái chết êm ả chủ động: bác sĩ trực tiếp gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân (tiêm thuốc...)
1.2.2 Cái chết êm ả thụ động: Không điều trị. Bác sỹ ngưng mọi biện pháp kéo dài sự sống đối với bệnh nhân (rút ống dẫn...)
Ngoài ra còn một hành vi là tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Hành vi này về mặt hình thức có điểm khác với 2 hình thức trên như: có thể chỉ là sự tư vấn, người bệnh tự rút ống dẫn... Bác sỹ không trực tiếp thực hiện hành vi mà chỉ là trợ giúp.
2. Tiêu chí về luật pháp
2.1 Tính hợp pháp của hành vi
Cần phải khẳng định rằng hành vi của quyền được chết là hành vi hợp pháp trong đa số trường hợp (trừ khi luật pháp quy định cấm hành vi của quyền được chết vì chưa công nhận nó). Hành vi này có sự tự nguyện của những bệnh nhân đang ở trong những tình huống y tế không lối thoát (chịu nhiều đau đớn về tinh thần hay thể xác, vô phương cứu chữa) và mang những mục đích tốt đẹp. Bác sỹ thực hiện quyền được chết hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bệnh nhân và theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Bởi vậy, không có lý do gì mà Tòa án có thể xử người thực hiện quyền được chết những tội danh như: xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, giết người... vì hành vi của họ hoàn toàn hợp pháp. Riêng tội danh giết người còn có những trường hợp khác nhau dẫn đến hành vi của người đó là bất hợp pháp.
Như vậy, nếu luật pháp không cấm hay cho phép thì hành vi thực hiện quyền được chết là hoàn toàn hợp pháp và cần phân biệt nó với các hành vi khác có liên quan để tránh sai sót trong việc xét xử các vụ án.
2.2 Phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với các hành vi khác có liên quan
Một trong những lý do để có nhiều tranh cãi về quyền được chết là nhận thức sai về hành vi của bác sỹ trong việc thực hiện cái chết êm ả. Chúng ta có thể phân biệt nó với các hành vi sau:
2.2.1 Hành vi tự sát
Hành vi của quyền được chết có thể được thực hiện bởi chính bác sỹ và chính bệnh nhân (dưới sự trợ giúp của bác sỹ). Với hình thức do bác sỹ thực hiện thì rõ ràng nó hoàn toàn khác hành vi tự sát về chủ thể thực hiện. Với hình thức do chính tay bệnh nhân thực hiện có bác sỹ hỗ trợ thì điểm để phân biệt với hành vi tự sát là: điều kiện sống của bệnh nhân đó không được đảm bảo nữa, đang ở giai đoạn cuối của bệnh vô phương cứu chữa, chịu nhiều đau đớn. Còn đối với hành vi tự sát, người đó có thể do sự quẫn bách về tinh thần hay sai lệch về ý chí, không chỉ đơn giản bó hẹp như quyền được chết. Nếu một bệnh nhân mắc bệnh vô phương cứu chữa tự mình tìm đến cái chết, không có sự trợ giúp của bác sỹ hay của ai đó thì không hội tụ đủ những yếu tố trong hành vi của quyền được chết, và do đó, nó cũng chỉ là hành vi tự sát.
2.2.2 Tội giúp người khác tự sát
Điều 101 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 1999 có quy định tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Về hành vi xúi giục người khác tự sát rõ ràng khác hành vi trong quyền được chết bởi trong quyền được chết, bác sỹ chỉ làm theo yêu cầu của bệnh nhân chứ không xúi giục bệnh nhân. Do đó, chúng ta chỉ phân biệt hành vi của quyền được chết với hành vi giúp người khác tự sát. Rõ ràng, về hình thức, hành vi giúp người khác tự sát có nhiều loại và đa dạng về chủ thể. Ví dụ: một người sống thực vật bằng bình dưỡng khí yêu cầu được chết chỉ cần rút bình ôxy ra khác xa với việc giúp một người thắt cổ tự tử. Chủ thể thực hiện trong hành vi quyền được chết phải là bác sỹ còn hành vi kia thì rộng hơn nhiều. Hơn nữa, điều kiện tình trạng của bệnh nhân trong quyền được chết là điểm mấu chốt để để phân biệt với các hành vi khác.
2.2.3 Tội giết người
Đây là quan điểm được xét xử tại hầu hết Tòa án các nước chưa quy định Luật An tử. Tuy nhiên, trong tội giết người thì không có sự đồng ý của nạn nhân còn trong hành vi của bác sỹ khi thực hiện quyền được chết thì có sự đồng ý của bệnh nhân. Tòa án khi xét xử bác sỹ thực hiện hành vi có liên quan đến quyền được chết, tội danh giết người vì nhiều cơ sở: người bệnh đó đã chết, không để lại chứng cứ gì chứng minh đây là sự tự nguyện của họ. Lý do của những kết luận này rất đơn giản: các nước này cấm hành vi của quyền được chết hoặc xem đó là tội giết người. Nếu quyền được chết được công nhận thì chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt bởi: chúc thư y tế, người đại diện, người giám hộ hay các chứng cứ khác liên quan đến tình trạng của bệnh nhân... Còn nếu các nước nào quy định rõ ràng bác sỹ thực hiện hành vi này bị coi là tội giết người thì vì đơn giản họ chưa chấp nhận nó mà thôi.
Cũng có quan điểm cho rằng, tại điểm m khoản 1, điều 93 BLHS Việt Nam 1999 có quy định tình tiết tăng nặng: “Thuê giết người và giết người thuê”[3] có những điểm giống với hành vi của quyền được chết. Cụ thể:
· Thuê giết người: Cho rằng bệnh nhân đó thuê bác sỹ giết mình để thoát khỏi sự đau đớn của bệnh tật. Nhưng quan điểm hiện nay của khoa học hình sự thì: giết người là phải giết người khác. ở đây nếu theo lập luận của quan điểm trên thì bệnh nhân thuê bác sỹ đó tự giết mình nên không xâm hại tính mạng của ai mà là của chính mình nên không thể xem là thuê giết người được.
· Giết người thuê: Để phân biệt hành vi này với hành vi của quyền được chết không quá khó bởi người giết người thuê là làm vì lợi ích của bản thân họ, có thể là bất kỳ ai đủ độ tuổi luật định và có năng lực đầy đủ. Còn trong hành vi của quyền được chết, người thực hiện phải là bác sỹ (có thể được trả công từ người bệnh, nhưng đó là viện phí...) và là vì mục đích tốt đẹp, theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật hiện hành.
2.2.4 Hành vi theo Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam
Tại điểm đ, khoản 1, điều 4 Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 của Việt Nam quy định quyền của người nhiễm HIV: từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS giai đoạn cuối [4].
Có nhiều người cho rằng đây là một dạng của cái chết êm ả nhưng là một quan điểm không đúng đắn. Tuy cũng vì mục đích nhân đạo là không bắt người bệnh chịu đựng những đau khổ quá lớn đối với khả năng chịu đựng của họ nhưng điều khoản này không giống với luật “cái chết êm ả” đã được thực hiện ở một số nước. Trong quy định này của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, y bác sỹ không chủ động làm ngừng cuộc sống của bệnh nhân mà chỉ chấp thuận theo nguyện vọng thôi điều trị của họ, để họ không phải kéo dài những ngày tháng đau đớn về thể xác.
Hành vi này cũng giống với việc người thân của người bệnh sắp chết xin bệnh viện cho đưa về nhà. Việc này khác quyền được chết. Nếu bệnh nhân không có hy vọng gì nữa, gia đình cũng không có khả năng kinh tế để tiếp tục điều trị nên xin cho về nhà tìm cách khác hay ngừng chữa trị và có cam kết rằng: bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm nếu có bất cứ chuyện gì thì bệnh viện không phạm luật trong trường hợp này. Y tế cho về nhà không phải cho bệnh nhân chết mà là vì quan hệ tình cảm giữa người sắp chết với người thân: gặp lần cuối, có chết thì chết ở nhà, vấn đề tín ngưỡng, tập quán[5]... Đây cũng là một điểm tiến bộ của Luật phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam so với thế giới.
Việc phân biệt như trên rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay khi hầu hết các quốc gia đều chưa cho phép và thông qua quyền được chết. Việc phân biệt này càng có ý nghĩa trong việc xây dựng Luật An tử được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
III. ý nghĩa của vấn đề thực hiện quyền được chết trong giai đoạn hiện nay
3.1 ý nghĩa pháp lý
Từ khi quyền được chết ra đời đến nay đã có rất nhiều cuộc chiến pháp lý trên thế giới. Công nhận hay không công nhận quyền được chết là một vấn đề lớn và đặc biệt gây nhiều tranh cãi. Chúng ta sẽ xét ý nghĩa pháp lý của quyền được chết ở 2 khía cạnh.
Thứ nhất, nếu quyền được chết chưa được công nhận thì những những cuộc chiến pháp lý vẫn kéo dài. Các vụ việc liên quan đến quyền được chết luôn rơi vào bế tắc, không lối thoát do tồn tại những quan niệm sai lầm về hành vi của quyền được chết. Một thực tế nữa là: các vụ việc đó không chỉ gói gọn trong lĩnh vực y học mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác dẫn đến nhiều phức tạp và rối rắm.
Thứ hai, nếu quyền được chết được công nhận và cho phép thực hiện hành vi thì luật pháp sẽ không phải hứng chịu những cuộc chiến không lối thoát. Bởi luật pháp đã có quy định cho phép thực hiện hành vi của quyền được chết nên sẽ giúp cho việc xét xử các vụ án có liên quan được dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là sẽ hạn chế đi những trường hợp xét xử không đúng với bản chất vụ án (nhầm lẫn hành vi của quyền được chết với các hành vi khác).
3.2 ý nghĩa xã hội
Hành vi thực hiện quyền được chết có ý nghĩa xã hội rất lớn với những mục đích hết sức tốt đẹp. Khi sự sống của bệnh nhân không còn được đảm bảo nữa: mắc bệnh vô phương cứu chữa, đang phải chịu đựng đau đớn kéo dài... thì an tử theo yêu cầu là cách thức hợp lý nhất. Việc này không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn tốt cho gia đình, xã hội. Người bệnh được ra đi thanh thản, chấm dứt những ngày tháng chịu đựng đau khổ. Gia đình bệnh nhân không phải chịu những tốn kém không đáng có và xã hội thì được bình yên hơn. Đó là một kết thúc đẹp, một “cái chết nhân đạo”.
Những nội dung bên trên chỉ là những mở đầu cho một vấn đề có nhiều ngả rẽ.
[1] Theo khoản 9, điều 3, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác Việt Nam ngày 29/11/2006.
[2] Theo Vnexpress.net ngày 11/04/2001
[3] Theo Bộ Luật hình sự Việt Nam 1999, NXB Chính trị quốc gia, năm 2006
[4] Theo Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam, nguồn: vbqppl.moj.gov.vn
[5] Trích bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ online ngày 24/11/2004 của PGS.TS Trương Văn Việt (Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét