Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2008

Giải quyết XĐPL về Hợp đồng trong TPQT theo PLVN

Hợp đồng trong Tư pháp quốc tế (HĐTPQT) là hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó: các chủ thể hợp đồng có quốc tịch khác nhau; hợp đồng được ký kết ở nước ngoài; đối tượng của hợp đồng là tài sản ở nước ngoài; sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng xảy ra ở nước ngoài. HĐTPQT rất đa dạng, ví dụ: hợp đồng trong quan hệ dân sự, hợp đồng tín dụng quốc tế, hợp đồng lao động quốc tế, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế...

Cách thức giải quyết xung đột pháp luật (XĐPL) về hợp đồng (HĐ) theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành:

  1. Giải quyết XĐPL về hình thức của HĐ:

Đ770 BLDS[1] quy định: “Hình thức của HĐ phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết HĐ”. Quy định này là phù hợp với nhu cầu thực tế. Nó cho phép các bên tham gia ký kết HĐ tiến hành một cách thuận tiện các thủ tục về hình thức tại nơi ký kết HĐ mà Pháp luật (PL) nơi ký kết HĐ yêu cầu. Bên cạnh đó, quy định này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong HĐ; bảo vệ quyền lợi của quốc gia nơi giao kết HĐ. Nhưng cũng có sự khó khăn trong sự xác định nơi giao kết HĐ là nơi nào[2]. Trong trường hợp HĐ được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm hình thức HĐ thì vẫn có hiệu lực về hình thức HĐ tại VN nếu hình thức HĐ đó không trái với quy định của PL CHXHCN VN[3].

Ngoại lệ của nguyên tắc xác định PL điều chỉnh hình thức của HĐ (hình thức của HĐ phải tôn trọng PL VN mặc dù được ký kết ở nước ngoài): (i) hình thức của HĐ liên quan đến việc xây dựng hay chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ VN (Đ770.2 BLDS); (ii) những trường hợp HĐ được giao kết gián tiếp (mạng, thư điện tử...) thì hình thức của HĐ được xác định theo Đ771 BLDS: tuân theo PL của nước nơi cư trú của cá nhân hay nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết HĐ; (iii) một số loại HĐ PL VN quy định phải bằng văn bản mới có giá trị pháp lý: HĐ mua bán hàng hóa quốc tế, HĐ mua bán nhà ở, HĐ thuê tài sản...

  1. Giải quyết XĐPL về nội dung của HĐ:

Điều 769 BLDS quy định: “Quyền, nghĩa vụ của các bên theo HĐ dân sự được xác định theo PL của nước nơi thực hiện HĐ nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, BLDS VN đã cho phép các bên lựa chọn PL áp dụng cho HĐ và các bên có quyền lựa chọn luật vào bất kỳ thời điểm nào: giao kết HĐ hay sau đó như trong quá trình tranh tụng tại tòa chẳng hạn... Thường các bên chọn PL của một nước liên quan đến HĐ, nhất là PL của nước mà một bên trong hợp đồng có quốc tịch. Tuy nhiên, các bên còn có quyền chọn luật của một nước không có quan hệ nào với HĐ. Các bên còn có quyền lựa chọn 2 hay nhiều PL để điều chỉnh HĐ. Ngoài ra, các bên có quyền lựa chọn những quy tắc không phải là pháp luật một nước hay tập quán quốc tế để điều chỉnh HĐ (PL VN không quy định nên có thể hiểu là không cấm các bên được lựa chọn). Ví dụ: Các bên có quyền chọn nguyên tắc HĐ Thương mại quốc tế hay những nguyên tắc Châu Âu về HĐ. Sở dĩ chúng ta nên cho phép các bên lựa chọn những nguyên tắc trên là vì: (i) HĐ là sự thỏa thuận giữa các bên do đó phải để họ tự định đoạt quan hệ của họ bằng hệ thống PL mà họ cho là hợp lý; (ii) PL thực chất của 1 nước là PL được thiết lập cho những quan hệ trong nước nên thường xuyên không phù hợp với quan hệ quốc tế; (iii) thông thường, bên nước ngoài không thích chọn luật VN còn bên VN không hài lòng khi bị ép buộc chọn luật nước ngoài.

Một số ngoại lệ hạn chế tự do lựa chọn luật áp dụng:

(i) Đầu tư nước ngoài tại VN: các bên chỉ được chọn áp dụng PL nước ngoài khi PL VN chưa có quy định cụ thể. Đối với những trường hợp cụ thể mà PL VN quy định thì các bên không có quyền chọn PL nước ngoài để điều chỉnh[4].

(ii) Đ769.1 BLDS quy định: “HĐ được giao kết tại VN, thực hiện hoàn toàn tại VN thì phải tuân theo PL VN”. Như vậy, các bên không được chọn PL nước ngoài nếu HĐ được ký và thực hiện hoàn toàn ở VN. Nếu các bên ký ở VN nhưng không thực hiện hoàn toàn ở VN thì có quyền chọn PL nước ngoài.

(iii) HĐ liên quan đến Bất Động Sản (quy định tại Đ769.2 BLDS).

Khi các bên không có thỏa thuận chọn PL áp dụng, Đ769.2 BLDS quy định: “Trong trường hợp HĐ không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện HĐ theo PL CHXHCN VN”. Có nghĩa là khi các bên có quy định nơi thực hiện HĐ thì PL áp dụng là PL của nước nơi HĐ được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Còn trường hợp không có thỏa thuận thì phải xác định nơi thực hiện theo PL VN. Thiết nghĩ nên quy định nơi thực hiện HĐ là nơi thực hiện nghĩa vụ đặc thù của HĐ và đưa ra một danh sách nghĩa vụ đặc thù của những hợp đồng thông dụng[5].

  1. Giải quyết XĐPL về điều kiện có hiệu lực của HĐ:

Theo PL VN, điều kiện có hiệu lực của HĐ được xác định theo PL của nơi ký kết HĐ hay luật nơi thực hiện HĐ. Nếu HĐ liên quan đến bất động sản thì điều kiện có hiệu lực HĐ sẽ áp dụng luật nơi có tài sản. BLDS quy định HĐ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hay PL có quy định khác. Thời điểm giao kết HĐ miệng là thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung chủ yếu của HĐ. Thời điểm giao kết HĐ bằng văn bản là thời điểm các bên ký vào văn bản. Nếu HĐ cần có công chứng, chứng thực thì HĐ có hiệu lực kể từ thời điểm HĐ có chứng nhận, chứng thực.

Về năng lực PL và năng lực hành vi của các bên chủ thể trong HĐ: PL điều chỉnh năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) cá nhân và năng lực pháp luật dân sự (NLPLDS) của pháp nhân trong HĐ không được điều chỉnh bởi PL điều chỉnh HĐ. Đ762 BLDS quy định: “NLHVDS của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo PL của nước mà người đó là công dân”. Đ 765 BLDS quy định: “NLPLDS của pháp nhân nước ngoài được xác định theo PL của nước nơi pháp nhân đó được thành lập”.

Ngoại lệ của nguyên tắc trên:

(i) Đ762.2 BLDS quy định: “Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại VN thì NLHVDS của người nước ngoài được xác định theo PL VN”.

(ii) Đ765.2 BLDS quy định: “Trường hợp pháp nhân nước ngoài thực hiện các giao dịch dân sự tại VN thì NLPLDS của pháp nhân được xác định theo PL VN”.

Đối với trường hợp một người có 2 quốc tịch, theo Đ760.1 BLDS “trong trường hợp Bộ Luật này hoặc các văn bản khác của CHXHCN VN dẫn chiếu đến việc áp dụng PL của nước mà người nước ngoài là công dân thì PL áp dụng đối với người nước ngoài có 2 hay nhiều quốc tịch nước ngoài là PL của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng PL của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân”. Như vậy, ở đây chỉ đề cập đến “người nước ngoài có từ 2 quốc tịch nước ngoài trở lên” chứ trường hợp người có quốc tịch VN và quốc tịch nước ngoài chưa có quy định xử lý. Thiết nghĩ nên áp dụng quy định đã được sử dụng trong lĩnh vực năng lực PL tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự (áp dụng PL VN). Như vậy theo PL VN, năng lực hành vi ký kết HĐ của các bên chủ thể được xác định theo Luật quốc tịch của họ hoặc theo luật nơi thực hiện hành vi. BLDS còn thiết lập một số quy phạm liên quan đến HĐ được giao kết vắng mặt: “Việc xác định nơi giao kết HĐ phải tuân theo PL của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết HĐ. Thời điểm giao kết HĐ được xác định theo PL của nước của bên đề nghị giao kết HĐ nếu bên này nhận được trả lời chấp thuận của bên được đề nghị giao kết HĐ” (Đ771 BLDS). Bên cạnh đó, PL VN không có quy phạm xung đột quy định về thẩm quyền ký kết HĐ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005.

2. ĐH Luật Hà Nội: Giáo trình Tư pháp Quốc tế, TS. Bùi Xuân Nhự (chủ biên), NXB. CAND, 2006.

3. ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh: Tư pháp quốc tế Việt Nam, TS.Đỗ Văn Đại, PGS.TS Mai Hồng Quỳ, NXB.ĐHQG TP HCM, 2006.

4. TS. Đoàn Năng: Một số vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế, NXB. Chính trị quốc gia năm 2001.

---&---



[1] Từ đây cách trình bày văn bản này xin đọc là Điều 770 Bộ luật Dân sự 2005.

[2] Xem ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh: TS.Đỗ Văn Đại, PGS.TS Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, NXB.ĐHQG TP HCM, trang 253.

[3] Xem Đ770.1.b Bộ luật Dân sự 2005.

[4] Xem thêm Nghị định số 24/2000/NĐ – CP ban hành ngày 31/07/2000.

[5] Xem ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh: TS.Đỗ Văn Đại, PGS.TS Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, đd, trang 270.

1 nhận xét:

  1. Cái blog này thật là vớ vẩn, post bài lên toàn bị mất một bên, ko đầy đủ. Bạn nào có nhu cầu xin liên hệ : hq8710@gmail.com ;)

    Trả lờiXóa