Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2008

Tên Tôi là Đỏ!




Vốn thích đọc Truyện, đặc biệt là novel, càng đặc biệt hơn là những cuốn giật Nobel Prizel

Cuốn này giá hơn 90k, nhưng cũng cố dành dụm để mua. Sắp mua được rồi, sắp được sở hữu rồi (mặc dù đã được đọc ké). Cố lên nào!

--------------------------------------------------

Tên tôi là Đỏ hội tụ đầy đủ những yếu tố của một tiểu thuyết trinh thám: án mạng thảm khốc, kẻ sát nhân tàn bạo, dấu vết để lại tại hiện trường, chỉ mở nút ở những trang cuối...

Tên tôi là Đỏ, cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Orhan Pamuk (bản dịch của Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh) là câu chuyện kể xoay quanh hai vụ án mạng bí ẩn trong giới tiểu hoạ Istanbul thế kỷ mười sáu, câu chuyện, mà theo John Updike nhận định, đã dụng tới nghệ thuật tiểu hoạ để khám phá những bí ẩn trong tâm hồn của cả một dân tộc.

Mùa đông năm 1591, kỷ niệm một ngàn năm Hegira, hoàng đế Thổ lệnh cho bậc cao niên trong làng tiểu hoạ Enishte thực hiện một cuốn sách có minh hoạ theo phong cách Venice "Đức vua...muốn chứng tỏ rằng trong năm thứ một ngàn của lịch Hồi giáo, Ngài và đất nước của Ngài có thể sử dụng những phong cách của người Tây vực cũng như chính dân Tây vực". Để hoàn thành ý nguyện này, Enishte đêm đêm bí mật gặp gỡ bốn nhà tiểu hoạ bậc thầy: Zeytin, Zarif, Leylek, Kelebek, giao cho mỗi người phần việc riêng lẻ và không một ai được thấy bức tranh hoàn chỉnh. Bởi đặt trong bối cảnh tôn giáo và văn hoá Thổ đương thời, lối minh hoạ theo phong cách Tây vực bị coi là báng bổ, và có thể gây tai hoạ cho người thực hiện. Thế nhưng, ngay khi cuốn sách còn dang dở, Zarif - người thợ mạ vàng tài hoa bị giết chết thảm khốc và ném xác xuống giếng hoang, rồi sau đó là Enishte bị hạ sát ngay tại nhà bằng chiếc bình mực cổ. Và kẻ sát nhân, không ai khác, là một trong ba nhà tiểu hoạ còn lại. Bị thôi thúc bởi lời hứa với tân nương Shekure, con gái của Enishte, chàng Siyah đa tình đã cùng sư phụ Osman lần theo dấu vết kỳ lạ trên bức vẽ kẻ giết người bỏ lại hiện trường để tìm ra hắn là ai, Zeytin, Leylek hay Kelebek?

Tên tôi là Đỏ hội tụ đầy đủ những yếu tố của một tiểu thuyết trinh thám: án mạng thảm khốc, kẻ sát nhân tàn bạo, dấu vết để lại tại hiện trường, thắt nút ngay từ đầu tác phẩm và chỉ mở nút ở những trang cuối...Thế nhưng, thông qua cốt truyện ly kỳ ấy, tác giả muốn gửi tới người đọc nhiều điều hơn thế. Trước hết, Tên tôi là Đỏ đưa độc giả bước vào thế giới tiểu hoạ với tất cả vẻ lộng lẫy, tinh xảo và độc đáo riêng có. Sự bó buộc của đề tài, sự ước lệ và cách điệu trong nét vẽ, đặc biệt sự phủ nhận yếu tố phong cách khiến mỗi bức tranh minh hoạ đều được khơi nguồn từ truyền thuyết và sinh ra từ ký ức của người nghệ sỹ. Nhà tiểu hoạ không tìm kiếm chữ ký cho riêng mình hay sáng tạo ra cái mới mà hướng tới sự hoàn hảo của những bậc tiền bối. Và niềm xúc động sâu xa mỗi bức tiểu hoạ gợi lên, vì vậy, không gắn liền với cái mới, mà gắn liền với câu chuyện mà nó minh hoạ, những ý nghĩa nó biểu đạt, sự tinh xảo trong màu sắc, trong những chi tiết mạ vàng và dụng công của nhà tiểu hoạ hậu thế để theo đòi những bậc thầy vĩ đại như Seyyit Mirek, Bihzah...Orhan Pamuk đã đặt tác phẩm của mình trong một thời điểm lịch sử cụ thể: cuối thế kỷ 16, khi mối đe doạ Âu hoá tới nghệ thuật tiểu hoạ Ottoman, một bộ phận của phái tiểu hoạ truyền thống Ba tư ngày càng rõ nét. Cách lựa chọn thời điểm này, một mặt thể hiện rõ được bản sắc của tiểu hoạ truyền thống, mặt khác là sự khác biệt sâu sắc, thậm chí đối lập, giữa hai phóng cách hội hoạ Ba Tư và Venice nói riêng, giữa phương Đông và phương Tây nói chung, và thứ ba là thân phận của nghệ thuật đích thực dưới những áp chế.

Trong phần nhận xét trao giải Nobel 2006, Viện hàn lâm Thụy Điển đã tôn vinh Orhan Pamuk vì nỗ lực "đi sâu tìm hiểu tâm hồn u uẩn, sầu muộn của thành phố quê hương". Tên tôi là Đỏ thể hiện được phần nào đặc điểm này. Bên cạnh vẻ lộng lẫy, tráng lệ của lâu đài, quốc khố, vẻ trầm mặc, uy nghiêm của những thánh đường, những xưởng tiểu hoạ làm ra những pho sách-quốc bảo, nét huê tình, nồng nàn trong những truyền thuyết tình yêu hay sự bạo liệt, kiêu hùng trong những trang sử đỏ máu, người đọc còn thấy được một Istanbul u ám, kiệt quệ vì những âm hồn, hoả hoạn, bệnh dịch, nạn tiền giả, cả sự mù quáng của những thầy tu dốt nát, một Istanbul đang chao đảo, hoang mang và bị chia cắt trước sự xâm lấn của văn hoá phương Tây.

Không chỉ là một tác phẩm lôi cuốn, sâu sắc, Tên tôi là Đỏ còn được đánh giá cao bởi những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Câu chuyện gồm 59 chương được kể từ 12 điểm nhìn khác nhau, bao gồm cả lời dằn vặt và tự biện của tên sát nhân, lời thì thào đau đớn của hai linh hồn vọng về từ cõi chết, lời ủ ê của một cái đầu bị cắt dời khỏi thân thể, lời nồng nàn xúc cảm của nàng Shekure xinh đẹp, đặc biệt là lời bất kính, hỗn hào nhưng vô cùng sinh động của người kể chuyện không tên tại quán cà phê cất tiếng thay cho một đồng xu, một con ngựa, một cái cây, một con chó, thần chết hay quỷ Xa tăng...


“Một cuốn thriller triết học xây dựng xung quanh sự va chạm giữa hai quan niệm về ý nghĩa nghệ thuật, cũng là một vực thẳm giữa hai nên văn minh khác biệt. Những tác phẩm lớn luôn nói về thời đại của mình; trong tuần lễ đầy những vụ đánh bom tự sát ở Mỹ, tiểu thuyết xuất sắc này lớn tiếng đòi ta phải chú ý… Đó là một tác phẩm thâm thúy với căn rễ sâu xa. Vượt xa một “tiểu thuyết lịch sử” thông thường, nó có một động lực từ sự khó quên thống nhất cả quá khứ lẫn hiện tại, cũng như tài năng nghệ thuật đỉnh cao với sự hấp dẫn đại chúng đã biến Pamuk thành tác giả đương đại lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ… Kinh Koran có nói, "Cả miền đông lẫn miền tây đều nằm trong Thượng đế". Trong tác phẩm hiếm có và tuyệt diệu này, Pamuk đã đưa ra được lời khẳng định tương tự về sự cảm thông thống nhất phi biên giới đó”. (Hywel Williams, Guardian).

“Một hỗn hợp sắc bén giữa truyện vụ án, ngụ ngôn hậu hiện đại và tiểu thuyết lãng mạn lịch sử. Tất sẽ gợi ra so sánh với Tên của đóa Hồng của Umberto Eco, và quả chúng có những tương đồng rộng lớn, cho dù phong cách mãnh liệt và cách xây dựng cá tính nhân vật tinh tế của Pamuk là hoàn toàn của riêng ông… Tên tôi là Đỏ, với những câu chuyện lồng trong chuyện, tư biện triết học và những nhân vật phức tạp, là một minh chứng tuyệt vời về những gì tiểu thuyết có thể làm được… Mê hồn”. (S.B.Kelly, Scotland on Sunday).

5 nhận xét:

  1. bạn Quang đã đọc hết chưa??? tớ đọc dc 5 chương là lăn quay ra xỉu ròi! chưa dám đụng tiếp! tớ đang đọc cuốn Tuyết cũng của Orhan lun!

    Trả lờiXóa
  2. chà nghe có vẻ hấp dẫn nhỉ?!

    Trả lờiXóa
  3. Mu'n khong? To mua cho nhe :D

    Trả lờiXóa
  4. Truyện này hay mà! :D

    Trả lờiXóa
  5. Đêm nằm mơ phốlúc 19:08 4 tháng 8, 2008

    Đọc rồi, mún không, bạn cho mượn nhé :X

    Trả lờiXóa