Rất tâm phục khẩu phục chị yêu của em J), và ngày càng thấy thú vị xung quanh những người bạn của anh Tờ rí. Chúc chị thành công nhé!
--------------------------------------------------------------------------------------------
Nữ sinh chuyên Văn đi Mỹ nghiên cứu về… sinh học
TP- Tốt nghiệp đại học tháng 6/2008 ngành Công nghệ sinh học, hôm qua, 3/8, nguyên nữ sinh chuyên văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, Trần Thị Minh Đức đã lên đường đi Mỹ, làm nghiên cứu sinh ngành công nghệ sinh học.
Học chuyên Văn nhưng thi đại học khối B
Bố của Đức vốn là giáo viên dạy Văn. Vì thế, Đức biết yêu văn chương từ tấm bé. Ở trường, Đức sớm được các thầy cô giáo biết đến như một cô học trò có tố chất học giỏi Văn. ư
Suốt những năm học cấp II trường THCS Thăng Long (Hà Nội), năm nào Đức cũng được nhà trường đưa vào danh sách thi học sinh giỏi môn Văn cấp quận.
Lên cấp III, Đức thi đỗ và học lớp chuyên Văn trường THPT Chu Văn An. Vì vậy việc Đức ôn thi đại học khối B (Toán, Hóa, Sinh) khiến nhiều người rất ngạc nhiên và không tin rằng em sẽ đạt kết qủa tốt.
Tuy nhiên, một lần nữa Đức lại gây bất ngờ bằng việc kết quả thi đại học khối B đạt 26 điểm và đỗ vào khoa Công nghệ sinh học, một trong những ngành “hot” nhất từ nhiều năm nay của ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội).
Trong lớp 12D4 tốt nghiệp năm 2004 của trường Chu Văn An, Đức là thành viên duy nhất thi đại học với khối thi không có môn Văn. 25 bạn khác đều thi khối C hoặc D. Lẽ ra, năm đó Đức có thể “xơ cua” cho mình thêm một đợt thi với khối D hoặc C gì đó. Nhưng Đức chỉ thi một khối vào một trường.
Thật ra, ngay từ khi học lớp 10, Đức đã chuẩn bị cho mình một “ngã rẽ” khác không liên quan trực tiếp tới văn chương: Tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh. Được chọn vào đội tuyển của trường đi thi thành phố, em Đức “ẵm” giải ba - đủ tự tin để tiếp tục “dấn thân”.
Nhưng không vì vậy mà Đức bỏ Văn. Bằng chứng là giải ba học sinh giỏi môn Văn cấp thành phố mà năm lớp 11 Đức đạt được. Chỉ đến năm lớp 12, do cần tập trung ôn thi đại học, Đức xin phép với cô giáo chủ nhiệm để không phải tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Văn.
Theo Đức, đầu tư nhiều cho việc học môn Văn chỉ có lợi bởi văn học khiến cho đời sống tâm hồn phong phú. “Tuy là lớp chuyên Văn nhưng chúng em vẫn được học với những thầy cô dạy giỏi các môn khoa học tự nhiên. Hơn nữa, để ôn thi đại học, chúng em đâu chỉ học ở trường mà còn tự học hoặc đi học thêm” – Cô học trò thi trái ngành tâm sự.
Săn học bổng du học Mỹ: “Cạnh tranh” cùng thầy giáo
Vốn dĩ là dân chuyên Văn nhưng Đức làm việc gì cũng đều có “kế hoạch, chiến lược”. Để có tấm vé máy bay lên đường du học Mỹ hôm nay, tự Đức đã vạch ra một kế hoạch và theo đuổi kế hoạch đó suốt mấy năm qua.
Đức kể: “Ý tưởng du học xuất hiện trong đầu em từ khi em đang học cấp III. Nhưng nhà em kinh tế cũng vừa phải, lấy tiền đâu ra cho em du học? Mình chỉ có thể du học nếu có học bổng mà thôi. Từ đó bắt đầu công cuộc tìm kiếm học bổng. Hễ ở đâu có hội thảo du học là em nhảy vào nghe. Rồi em đi thi lấy học bổng du học Singapore nhưng trượt. Em không nản. Vào đại học rồi, em vẫn tiếp tục nghe ngóng về các cơ hội học bổng!”.
Rồi một hôm cơ hội chợt đến. Đó là năm 2006, khi đó Đức đang học năm thứ hai ĐHKHTN. Đức nhìn thấy ở bảng tin nhà trường tờ thông báo của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) về chương trình học bổng nghiên cứu sinh tại các trường đại học của Hoa Kỳ.
Theo thông báo, các ứng viên là sinh viên nếu có thể tốt nghiệp ĐH trước tháng 7/2008 đều có thể dự tuyển. Vậy là Đức đăng ký. Vòng đầu tiên thi chuyên môn. VEF châm chước cho các ứng viên về độ tuổi nhưng không châm chước về kiến thức.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Đức ôm về một cuốn sách gồm 58 chương và đọc trong 2 tháng. Đọc xong cuốn sách em bắt đầu có chút tự tin, nhưng sự tự tin bị “tiêu diệt” luôn khi Đức bước vào phòng thi và thấy... thầy giáo mình cũng thi.
Đức tâm sự: “Em nghĩ, ôi thôi, mình trượt là cái chắc. Thầy học thạc sĩ ở Úc 2 năm về. Còn mình là SV năm hai mà cũng bày đặt thi nghiên cứu sinh! Do đó khi được thông báo qua vòng 1 em đã gào to lên vì sung sướng. Cảm giác ấy mãnh liệt hơn cả cảm giác khi em nghe tin mình đã qua được vòng thi cuối cùng”. Cho đến vòng cuối cùng (phỏng vấn), Đức vẫn gặp thầy.
VEF phỏng vấn 126 người nhưng chỉ có 40 suất học bổng... Học bổng của Đức là học bổng toàn phần (khoảng trên 60.000 USD/ năm cả học phí và sinh hoạt phí) tại ĐH Duke – một trong 5 trường đại học nghiên cứu tốt nhất ở Mỹ.
Kế hoạch cho tương lai của Đức rất đơn giản, học xong quay về Việt Nam lập nghiệp: “Nếu được trở về giảng dạy ở ĐHKHTN thì rất tốt” - Đức nói.
Quý Hiên (Tiền Phong online)