Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Những con ngõ của tình yêu!









(Vietnamnet)

- Thành phố nào cũng có những ngõ ngách của riêng mình. Nhưng mà ngõ ngách kiểu mê cung dồn nén tinh thần, đời sống của bậc thượng lưu đến kẻ bần cùng vào chung dòng chảy với những cái tên ngõ nghe gợi lên truyền thuyết và ký ức thì hình như có nhiều ở Hà Nội.
Nếu những đại lộ thẳng băng sáng choang chia ô nội thị là hình thức thì những ngõ ngách mới là nội dung của Hà Nội ngoắt ngoéo.


Bạn tôi, một hoạ sỹ đa tài cao ngạo và tự ti hoà trộn, đã từng sống trong con ngõ phố cổ. Anh yêu Hà Nội như một định mệnh khắc khổ. Yêu những con ngõ.


Bạn tôi nói rằng, Hà Nội là cái làng lớn. Ngõ Hà Nội là những cái ngõ của những ngôi làng cổ xứ Bắc. Đi vào ngõ như đi thám hiểm những cung đường miền núi: Tưởng kết thúc thì lại mở ra khoảng trống sáng. Và thấy khoảng sáng nhưng đó lại là bức tường. Ngõ luôn bất ngờ thế không mê sao được. Hà Nội cũ có hơn nửa triệu con phố và một phần năm của nửa triệu kia là những con ngõ. Hà Nội sở hữu một thứ “ văn hoá ngõ và ngách“. Lạ lùng.

Những chiều vu vơ hai chúng tôi dong con xe CD125 luồn lách, chui lủi tìm lại dấu các ngõ nổi tiếng: Ngõ Cống Trắng nơi Trần Huyền Trân viết Rau Tần. Vũ Hoàng Chương lảo đảo say ngõ Thanh Miện. Kim Lân và Con chó xấu xí ngõ Hạ Hồi. Dưới bóng Hoàng Lan của Thạch Lam ngõ Trúc Lạc. Ngõ 90 của Nguyễn Tuân. Ngõ Phất Lộc trong tranh Bùi Xuân Phái. Ngõ Văn Chương với nhà văn có chữ ký đặc sắc nhất Việt Nam: Cây tùng đứng trên sườn núi, Sơn Tùng.


Như một sợi dây chão thả lỏng ngõ Quỳnh băng qua cả nghìn số nhà, cả vạn kiếp người. Ấy là ngõ dài nhất. Rợp bóng cây hoàng lan một thuở rộng dài hơn chiếc sân bóng chuyền, ngõ ngắn nhất có tên Tức Mặc.


Dừng xe trước nhà hộ sinh nơi ngõ Thổ Quan, hoạ sỹ cho biết mình đã oe oe ở đây cùng vô số công dân thủ đô chào đời. Chán chê Khâm Thiên thì lượn sang các ngõ phố Nguyễn Thái Học rồi lộn về Nguyễn Lương Bằng rồi kết thúc cuộc rong chơi vặt nhưng cũng đủ phả phê cảm giác ở một trong các ngõ cổ xưa Hàng Hành, Hàng Hương, Cấm Chỉ, Phất Lộc… gắn liền với nghệ thuật ẩm thực trung lưu, vừa đủ ngon, vừa đủ chất, vừa đủ no: Cầy tơ bảy món, chân gà nướng, xôi lạp sường, vằn thắn sủi cảo, gà hầm thuốc bắc, bánh cuốn cà cuống, lòng lợn, cháo miến…


Rồi cái sự đi lòng vòng của chúng tôi cũng kết ở một quán trà hay cà phê bất kỳ. Ở Hà Nội ai cũng có thể sáng cà phê, tối uống trà, trưa bia chiều rượu. Sự uống, ăn tấp nập ở mọi con ngõ. Va chạm giao thông. Vấp đụng ở nơi quán nhậu diễn ra ở các con ngõ hình như bao giờ cũng dễ hoà giải, dễ cảm thông hơn ngoài phố lớn.


Trong ngõ đàn ông hay cởi trần, phụ nữ thường hớ hênh thời trang khi chạy ù ra chợ tạm. Lắm cánh cửa khép hờ, có ai đó im ngồi trong khoảng tối.


Tại sao nhỉ, cùng một động thái trong không gian hẹp thì được chấp nhận? Còn ở không gian rộng lại thường dẫn đến xung đột hoặc bất bình.


Những ngôi nhà trong ngõ diện mạo mờ nhạt, chung chung, cửa sắt, cửa kính nhôm, cửa luồn ván, cửa xếp. Tầng 2 kéo ngược, vô số gờ chỉ, phào, i-nốc, gạch men, gạch gốm, mặt phẳng, chậu hoa xanh tím.


Ngôi nhà bạn tôi xây trên diện tích 30 mét vuông hình tam giác. Anh tự thiết kế. Nhưng bước chân vào bên trong mỗi căn nhà mới thấy hết sự tính toán chi li đến từng cen-ti-met vuông cho những công năng đa dụng. Từ chiếc nùi rửa bát đến chiếc gạt tàn đều được chủ nhân định vị như nhờ công nghệ GPS. Giao thông trong ngôi nhà mỗi bước chân cũng phải tuân theo một lập trình, nếu không sẽ dẫn tới phiền nhiễu.


Mọi không gian riêng tư cần thiết vẫn hiện diện đầy đủ. Nó có vẻ hiện đại. Xinh xinh, tinh xảo.
Tôi không tưởng nổi, và đặt câu, sao người Hà Nội xoay giỏi vậy trong không gian nghẹt thở. Hoạ sỹ chấm tay ngón trỏ vào chén rượu phẩy nét xuống mặt bàn hình nước Việt mong manh như lá trúc, luận; Hình thể nước Việt đâu có khác một con ngõ uốn lượn dàn ngang nhìn ra biển. Người Việt thích phát triển theo bề ngang, nhưng vào phố thì buộc phải phát triển bề dọc. Tiếng là bề dọc, nhưng bề dọc của ngôi nhà trong ngõ cũng chẳng dài hơn bề ngang ở phố lớn. Từ các đời vua Việt qua lũ nghệ sỹ quèn đến bà cấy lúa bước lên bờ bán dưa góp cà muối thì chỉ tự tin và xoay xoả trong một không gian hẹp. Bị đẩy ra khoảng trống là lúng túng như gà mắc tóc. Có lẽ trên thế giới chưa ở đâu có đội ngũ kiến trúc sư “cải tạo cơi nới nhà” giỏi như ở Hà Nội.Với tôi thì cảm giác ngõ cổ nhà bạn hay bất kỳ ngõ Hà Nội xưa là trụ máy nước gang đúc nâu mập lùn lùn dưới chân cột đèn sắt mô phỏng tháp Ep-phen. Sáng, chiều các cô áo lụa, các em áo hoa đậu biếc ríu ran đợi nước như bên giếng làng. Ngày Tết, xác pháo điều rơi từ trên gác lẫn cánh đào lấp cả màu gạch son.
Và khoảng không hun hút om om như dưới đáy chiến hào chìm giữa hai bức tường xám long lở ố mốc, mùn gạch ngấm mặn sùi lên màu địa y đỏ, ánh sáng chảy xuống lổ đổ như trong rừng nguyên sinh.



Nhưng hiện tại cảm giác ấy bắt đầu từ cây cột xi-măng thương tích như một di vật khảo cổ lòng khòng mang vác những số điện thoại gia sư, chống thấm dột, thông tắc cống và thùng sắt công-tơ, mớ vòng xoắn dây điện không có bắt đầu không có kết thúc.


Số nhà đầu ngõ là một quán cóc bán hàng luân phiên, sáng cháo lòng, cháo trai, vào giờ hành chính trà chén, thuốc lào thuốc lá lẻ, ô mai, bò khô buổi đêm bán phở. Vẫn không gian mặc định ấy, chỉ có mô-đun bàn ghế, lều bạt là thay đổi kiểu dáng cho hợp từng dịch vụ.


Ghé hông quán cóc một cựu “xế lô” giải nghệ ngồi gật gù như con chim bói cá với chiếc bơm tay, chai xăng lẻ đặt trên chiếc thùng gỗ thông sứt sẹo ngấm dầu.


Trầm mắt để làm quen với ánh sáng yếu, đang dò dẫm thì ta suýt đụng phải cụ già tóc râu cước lẫm chẫm khói thuốc, nhoà hơi rượu. Chưa kịp nguôi cái giật mình. Phiền không, và cũng thích thú không cơ chứ hình như ta vừa vung tay chạm vào mềm mại một bờ vai. Đâu đó đã kịp nhỏ nhẹ lời thiếu phụ vang lên như trách cứ, như cảm thông: "Hư, đi gì mà hư thế “. Nhìn lên, ngỡ ngàng nhan sắc đằm thắm đã lướt qua. Ta cảm giác vậy, bởi chỉ còn lưu hương. Thật may, nếu như ở một toạ độ khác thì hẳn ta sẽ nhận được một hình dung từ xù xì những gai.


Nhạc. Cửa kẹt. Bếp dầu, bếp than thập thò. Bà lão hiếng mắt kính đọc báo. Cậu thiếu niên nằm ngửa đẩy quả tạ xi măng. Mấy gã trung niên cờ thế, bài Tây. Trên ban công cô gái váy ngủ nhàu nhò vươn cây sào bằng ống nhựa phơi quần áo lên những sợi cáp bọc nhựa. Ông giáo sư kính gọng sừng, ôm cặp, tiện thể xách quần. Cặp tình nhân chờ thằng nhỏ đánh giày níu quanh gánh người bán dạo mặc cả mấy trái cóc xanh.


Dấn thêm bước, tiếng nước thải róc rách, đế giày vấp những vòng khuy sắt phi sáu nằm úp sấp trên mặt bê tông tấm. Và một tổ hợp của những thứ mùi vị của cuộc sống bị dồn nép, sắp xếp trong các căn phòng kiểu hộp phấn và gác lửng.

Mấy mươi năm trước có cô học trò cuối cấp trường Chu Văn An. Nhà nàng ở ngõ. Bố mẹ giáo chức hưu gia công thuốc lá cuốn. Chị gái học hoá dầu từ Rumani về phép. Tôi trốn trại rủ nàng đi dự sinh nhật. Đêm khuya mưa, quá giờ lính về trại. Chẳng nỡ, hai chị em nàng lén đưa tôi lên gác. Một diện tích nhỉnh hơn tấm chiếu đôi, lỉnh kỉnh, bàn gấp, sách, quần áo treo móc. Chẳng ai nằm. Dựa lưng vào tường vôi ẩm ba chị em nghe mưa.


Đêm mưa, ngõ phố thiếp lặng giây lát như dòng chảy đến khúc quanh giữa đêm. Rồi rì rầm lời nói với rậm rịch bước chân mưu sinh. Lần lượt hết bàn tay mở xoè làm giấy đến tấm lưng tôi làm bảng để cho ngón tay nàng viết ra những điều muốn nói. Tôi không dịch hết những câu chữ cần phải đọc bằng trực giác lẫn cảm giác. Sáng ra chưa ai kịp giải thích, thì tôi nhận cái tát ngang mặt của ông giáo.


Thất thểu mưa tháng 7, tôi trong con ngõ lất phất hương trầm, mùi thuốc lá vụn, mùi bún đậu, mùi nước mắm chanh, mùi nước hoa phụ nữ nhu mỳ. Và tiếng khóc của cô gái 17 đuổi theo sau.
Tiếng chung là ngõ, nhưng ngõ cũng có đẳng cấp của ngõ. Những con ngõ ô tô có thể xộc thẳng cửa nhà nghênh ngang. Ngõ hai người gặp nhau ngược chiều thì phải né nghiêng người nếu không muốn cả hai kẹt cứng. Ngõ mới ngõ cũ. Ngõ tách nhánh thành ngách, ngách chia nhỏ nên hẻm. Ngõ tuỳ hứng thuận theo lẽ tự nhiên của con người.


Tranh bán bộn tiền, bạn tôi rời ngõ cổ ra ngõ mới. Nhớ ngõ cũ thi thoảng hoạ sỹ vẫn tạt qua, rồi tin cho tôi hay như liệu pháp với ẩn ức nào đó. Cụ già thuốc lá, rượu đột quỵ. Cậu thanh niên tập tạ vào đội tuyển quốc gia môn thể hình. Cặp tình nhân mua cóc xanh giải tán. Nhóm cờ thế dính ma tuý. Giáo sư xách quần ẵm giải thưởng quốc gia. Lão chim bói cá bỏ hòm đồ bơm vá, bởi cô con gái phơi quần áo trên dây điện đã cặp một gã Nhật.


Căn nhà tam giác của hoạ sỹ cho sinh viên thuê. Nghe đâu, một hai cô tình nguyện làm người mẫu.
Còn tôi, đã hết hy vọng vu vơ biết đâu sẽ nhận ra được con ngõ của riêng mình. Ngày ấy tôi đã quá trẻ để quay lại cổng trường Chu Văn An. Đời lính vụt đẩy tôi xa Hà Nội. Nhớ tên nàng, nhớ mùi xà phòng Ngọc Lan ở chiếc khăn bông tôi lau tóc ướt. Buổi giao lưu học sinh với bộ đội thời chiến. Tôi chưa kịp hỏi số nhà tên ngõ nhà nàng. Có lẽ nào sự tích ngõ Tạm Thương lại ứng vào chuyện đêm mưa ngõ phố khởi đầu như một bài thơ và kết thúc như một vở kịch.


Người - Ngõ chuyển dịch. Người là nước nếu các con ngõ là sông. Hai bờ các - dòng - sông - con - ngõ là nơi sản ra lạc rang đóng túi ni-lông, dép nhựa tái sinh, dán hộp phấn, hộp diêm, rèn xẻng, cuốc, máy đùn than tổ ong, tạo nguồn dưỡng chất cho chính nó và vận xuất xuống Đông lên Đoài một thuở lem luốc nhưng cũng đủ cho người ngõ phố ung dung tự tại.

Nước và sông. Người và ngõ. Người đi ngõ vắng. Sa bồi sông cạn. Không lạ.

Một thuở làng Nhân Chính, Khương Thượng, Kim Liên đã chìm nghỉm. Hà Nội nay đã nuốt chửng bao nhiêu ngôi làng và thêm bao nhiêu ngõ ngách xa Hồ Gươm cả trăm cây số. Không ít lần tôi tự vấn và vấn cả những bậc chữ xếp cao hơn đầu rằng Hà Nội là những ngõ ngách hay là những con phố lớn.

Nhưng trong tôi bây giờ ngõ 17 tuổi hay ngõ nghìn năm, con ngõ nào Hà Nội cũng là ngõ phố của một tình yêu còn ẩn ức.

Nguyễn Tham Thiện Kế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét