Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Về những con chim đập cánh vào ô cửa




Về những con chim đập cánh vào ô cửa!

- Đôi khi một cái cây, một bông hoa hay một con chim nói với chúng ta một điều gì đó thật kỳ diệu mà bản thân chúng ta suốt đời vùi đầu vào một núi sách vở mà vẫn không nhận ra. Một nhà thơ đã từng viết: Chúng ta mù lòa trong chính ánh sáng. Và tôi muốn nói về những con chim đập cánh vào những ô kính cửa sổ ngôi nhà. Những con chim đã vô tình mang cho tôi một bài học.

Phía trước những ô cửa sổ ngôi nhà của tôi có một cây si. Đã từng có một số người khuyên tôi chặt cái cây ấy đi vì không nên trồng si trước cửa. Đã có lúc tôi lưỡng lự và hình như cả một nỗi hoang mang nào đó nhưng rồi tôi tĩnh tâm trở lại. Bởi cái cây đẹp đến mức làm tôi quên đi những câu chuyện không hay về loài cây này. Ví dụ họ nói cây si là nơi những con ma thường đến trú ngụ. Nhưng quả thực, từ khi còn rất trẻ, tôi luôn muốn có cơ hội nhìn thấy những con ma. Nếu bạn được trò chuyện với một con ma thì đó là một may mắn lớn. Bạn sẽ biết được những thông tin về một thế giới mà chỉ khi chết rồi bạn mới có cơ hội nhìn thấy. Đó là một thế giới mà con người hàng ngàn năm nay đã hao tâm tổn sức tìm cách khám phá. Sau này, một người nghiên cứu Hán học nói với tôi rằng, ông đã đọc sách cổ Trung Hoa có tả rất chi tiết về cây liễu của Quan Âm Bồ Tát cầm trong tay, mà ngày nay chúng ta vẫn nhìn thấy trong tranh vẽ hay trong các bức tượng về Ngài. Cây liễu trong sách Hán cổ được miêu tả có lá như lá si và có rễ dài. Rễ của cây liễu này có khả năng dự báo mưa bão. Trước khi mưa, đầu rễ cây liễu này trắng như mầm đỗ. Cây si có phải chính là cây liễu không? Tôi không dám chắc. Nhưng có một điều là trong các đền chùa không thấy trồng cây liễu như chúng ta vẫn thấy. Trong khi đó, ở hầu hết đền chùa, chúng ta đều thấy cây si. Việc này tôi không dám bàn nữa vì nó thuộc về các nhà nghiên cứu. Nhưng một điều tôi biết là cây si thực sự đẹp và có một sức sống mãnh liệt. Cây si có phải là nơi trú ngụ của những con ma không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết đó là nơi trú ngụ của những con chim ri, chim sâu và những con chào mào.
Có một ngày, khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc ở nhà mình, tôi thấy những con chim ri bay từ cây si vào và đập cánh lên những ô kính của cửa sổ. Chúng đập cánh và như tìm cách bay vào bên trong. Những buổi sáng trời có nắng đẹp là những lúc bầy chim bay vào và đập cánh lên ô cửa. Lúc đầu, tôi nghĩ hay là những con chim đó bị mù. Bởi thế, chúng không biết tìm hướng bay trở về vòm cây si nữa. Nhưng khi tôi mở cửa ra để xem có thể giúp những con chim được gì không thì chúng vội bay trở về vòm cây si.

Cứ như thế, những lần sau đó, tôi ngồi im lặng bên trong ngôi nhà và nhìn những con chim đập cánh lên ô cửa để tìm cách vào bên trong và suy nghĩ vì sao chúng lại như thế. Có phải những ô cửa kính phản chiếu ánh mặt trời làm cho chúng lóa mắt chăng. Rồi một ngày, tôi quyết định bước ra ngoài ban công để nhìn vào ô cửa kính để xem trong đó có gì. Tôi bước ra ngoài ban công và đóng cửa lại. Tôi nhìn vào ô kính. Và tôi bàng hoàng.Không có sự lóa sáng của ánh mặt trời chiếu vào. Không có gì khác ngoài hình ảnh của cây si và vòm trời phía trên nó. Tất cả được in vào đó không hề méo mó. Nhưng cây si kia và bầu trời phía trên nó kia đã hiện ra trong một thế giới khác. Những cái lá, những chùm rễ, bầu trời và những đám mây trong ô kính màu lam kia lộng lẫy như ở chốn thiên đường. Tất cả vẫn như thế nhưng giờ mang một vẻ đẹp mới. Nghĩa là nó mang lại cho chúng ta một cái nhìn mới. Và những con chim đã bị vẻ đẹp mới của những hiện thực quen thuộc kia quyến rũ. Cái gì đã tạo ra cho cây si và bầu trời một vẻ đẹp mới? Đó chính là ánh sáng mới trong những ô kính màu lam. Ánh sáng đó tạo ra một cái nhìn mới cho chúng ta.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta ít nhất có một lần sững sờ trước một khung cảnh, một đồ vật hay một con người mà chúng ta đã từng gặp trước đó, nhưng chúng ta lại không hề để ý. Nhưng đến một ngày, một nhà văn hay một hoạ sỹ cho chúng ta đọc hay nhìn những tác phẩm của họ viết và vẽ những cảnh vật hay những con người mà chúng ta từng biết đến, chúng ta bỗng rung động lạ kỳ. Chúng ta nhận ra cái cây kia, con đường kia, ngôi nhà kia và con người kia hiện ra thật đẹp. Sự sáng tạo của nhà văn hay hoạ sỹ đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn mới với những gì đã quá quen thuộc và trở thành sáo mòn trong cảm xúc chúng ta.

Nhưng nhà văn hay hoạ sỹ chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Bởi ngay chính bản thân chúng ta một ngày nào đó bỗng nhận ra những cảnh vật hay những con người tưởng chẳng có gì để nói nữa lại chứa đựng bao điều mới mẻ. Chúng ta đã thay đổi cái nhìn của mình. Cái nhìn mới của mỗi con người chính là sự khám phá cuộc sống này của họ. Khám phá thế giới này hay khám phá bản thân mình chính là sự sáng tạo. Danh hoạ Picasso nói, nếu mỗi ngày tỉnh dậy, ông không nhìn thế giới bằng đôi mắt của một đứa trẻ thì ông không thể nào sáng tạo được nữa. Nhưng lớn hơn cả sự sáng tạo một tiểu thuyết hay một bức tranh là sự sáng tạo đời sống này. Từ khi có loài người, đời sống này không ngừng được khám phá và sáng tạo. Nếu chúng ta không còn khát vọng và ý thức khám phá hay sáng tạo đời sống này thì nó chẳng còn ý nghĩa gì với chúng ta nữa. Ngay cả những món ăn hàng ngày, chúng ta vẫn phải tìm cách mang lại cho nó những hương vị mới. Không có một cái nhìn mới với công việc chúng ta đang làm thì chúng ta sẽ không còn cảm hứng lao động. Và lúc đó, việc hàng ngày chúng ta đến công sở chỉ còn lại mục đích tồi tệ nhất là kiếm sống để tồn tại cái thân xác của chúng ta mà thôi. Khám phá và sáng tạo làm cho sản phẩm của người này khác với sản phẩm của người kia. Cũng từ một cái cây trong hiện thực, nhưng hoạ sỹ nào khám phá ra những điều mới mẻ của cái cây đó thì hoạ sỹ đó sẽ có những tác phẩm hay. Nghĩa là họa sỹ đã mang một cái nhìn mới đối với một điều đã cũ và làm cho nó hiện ra trong một hình ảnh, một sự sống mới. Cũng từ một sự việc hay một sự kiện của đời sống đó, nhưng nhà văn hay nhà báo nào khám phá ra những điều mới lạ thì người đó có bạn đọc nhiều hơn và có ích cho con người hơn.

Câu chuyện về những con chim đập cánh vào ô cửa có thể có những cách nhìn khác. Nhưng cách nhìn nào cũng cho chúng ta một ý nghĩa về đời sống này. Mỗi một cách nhìn khác chính là việc làm mới những điều sáo mòn. Một nhà thơ tôi không nhớ tên đã viết: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”. Câu thơ ấy đã nói với chúng ta rằng: nếu chúng ta nhìn thật sâu vào mỗi người bên cạnh và nhìn vào chính bản thân mình với ý thức, khát vọng khám phá và sáng tạo thì chúng ta sẽ tìm được những điều kỳ diệu và bí ẩn trong mỗi chúng ta. Và trong cuộc sống này, chẳng có gì là không chứa đựng những điều mới lạ và những thông điệp của nó, kể cả hình ảnh một người ăn mày sáng sáng vẫn đến trước chúng ta với một câu nói không hề thay đổi: “Lạy ông, lạy bà, làm ơn giúp cho kẻ nghèo khó này”. Không có gì cũ, chỉ có tư duy của chúng ta cũ mà thôi. Ngay đối với thế gian đã hiển hiện hàng triệu năm này lúc nào cũng chứa đựng trong đó vô vàn những điều kỳ diệu. Chính vì thế mà nó quyến rũ chúng ta và cho chúng ta lý do để sống và lao động sáng tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét