Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Cánh đồng thù hận, bất tận yêu thương.

Cánh đồng thù hận, bất tận yêu thương

- Với những người đã đọc truyện ngắn Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) gây đình đám một dạo, thì hẳn một Cánh đồng bất tận trên sân khấu kịch là dịp để họ nhìn ngắm, thưởng thức trong một không gian khác, những nhân vật, không khí quen thuộc của tác phẩm này.

Tình hình đã râm ran nóng từ khi có tin truyện ngắn nổi tiếng này được chuyển thể. Đêm ra mắt vở hết sạch vé từ sớm, vé của các suất nhiều ngày sau đó cũng nhanh chóng được đặt trước. "Bà bầu" Mỹ Uyên than thở vui trước cơn sốt của tác phẩm của đồng nghiệp ở Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, rằng một số ghế đã bị dẹp bớt để nhường chỗ cho không gian sàn diễn, thì thiếu vé cũng phải!

Con thuyền biến hóa ấy là nơi diễn ra toàn bộ diễn tiến câu chuyện. Nơi đó người ta yêu thương nhau, thù hận nhau, cãi nhau hoặc câm lặng nhìn nhau... Ảnh: V.T

Không gian của nơi vốn được gọi là "sân khấu nhỏ" chỉ vài trăm ghế, lại nhường chỗ cho sàn diễn, trở nên mênh mông khoảng không sáng tạo cho đạo diễn, họa sĩ thiết kế, diễn viên. Đạo diễn tận dụng hiệu ứng màn hình chiếu kiểu sân khấu ca nhạc để bắn lên những hình ảnh sông nước ngút ngát của miền Tây, lúc thì hoàng hôn thẫm đỏ trong tiếng phành phạch của chiếc ghe rẽ sóng, lúc thì trăng khuyết lên xanh ma quái. Không có những cảnh trí ước lệ thường thấy của sân khấu, ngoài duy nhất một con thuyền khi xoay ngang, lúc nằm dọc.

Con thuyền biến hóa ấy là nơi diễn ra toàn bộ diễn tiến câu chuyện. Nơi đó người ta yêu thương nhau, thù hận nhau, gầm gừ cãi nhau hoặc câm lặng nhìn nhau. Nơi để hạch tội nhau và cả để tự vấn lương tâm chính mình. Từ ngày sang đêm, từ hiện tại về quá khứ, lúc nước ròng lục bình trôi, sang nước lớn bìm bịp kêu ran, cánh đồng lúa trổ đòng rồi cánh đồng trơ gốc rạ vịt đàn tranh ăn...

Bầy vịt đó của Út Vũ (Khánh Hoàng), những con gia cầm mà thằng Điền (Hoàng Thành) "phát hiện" và nói với chị Nương (Cát Phượng) của nó rằng chúng đạp mái nhau đầy yêu thương, nhẹ nhàng chứ không thô bạo như cách mà người cha Út Vũ của nó đến với cô gái điếm tên Sương (Thanh Thủy). Đêm đó trăng lên đẹp, tiết trời mát mẻ nhưng lòng Út Vũ thì bức bối chất chứa sau bao nhiêu năm ông bị vợ bỏ đi theo trai. Đêm đó, cũng là đêm thằng Điền dù vốn quen sống trên ghe thuyền, bỗng cảm thấy ghe chòng chành, khó ngủ, như một dự cảm về một thứ tình cảm không rõ ràng của nó với người đàn bà ăn sương tên Sương sau này.

Trời nước bát ngát, những cánh đồng miền Tây bao la để cha con Út Vũ tha hồ xua bầy vịt chạy đồng, hóa ra không phải là khoảng trời tự do cho những đứa trẻ lớn lên cùng cọng cỏ, hạt gạo, nước sông. Chúng bị người cha ôm lòng thù hận người mẹ của chúng vì đã bỏ theo gã thương hồ buôn vải, mà lôi hai đứa trẻ hết bến nước này đến cánh đồng kia, không học hành, không bè bạn, không cả tình yêu thương.

Đứa chị chưa một lần gọi tiếng cha, còn thằng em cứ quay quắt nhớ má đến mê sảng. Tình thương, nếu có, chỉ là giữa hai chị em thương lấy nhau (về sau có thêm tình cảm với cô gái điếm), thú vui, nếu có chỉ là một thoáng đụt (trú) mưa, một cuốn thơ đọc nhiều đến thuộc lòng, một sớm bắt bướm trên khoảnh đất cao ráo giữa đường chăn vịt.

Tình thương, nếu có, chỉ là giữa hai chị em thương lấy nhau, thú vui, nếu có, chỉ là một sớm bắt bướm trên khoảnh đất cao ráo giữa đường chăn vịt.

Đạo diễn Minh Nguyệt đã đẩy một số tình tiết trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận lên thành hình tượng khái quát, đồng thời nhấn một số chi tiết khác trở nên khốc liệt hơn. Hình ảnh người mẹ của hai đứa trẻ bị mấy khúc vải của gã buôn vải quyến rũ, được dàn dựng ngập ngụa trong sắc đỏ: đỏ rực của lụa, của nỗi khát khao nơi người đàn bà vắng chồng. Thứ sắc đỏ ám chỉ dục vọng tự nhiên. Cảnh diễn đẹp, diễn giải cho tình huống quan trọng của câu chuyện: người mẹ ngoại tình với gã thương hồ, bị hai chị em nhìn thấy qua khe hở của bồ lúa, mà trên sân khấu rất khó diễn đạt sao cho không bị phô.

Cá tính cục súc của Út Vũ cũng được bồi da đắp thịt. Út Vũ xổ thẳng "bao nhiêu một lần đi khách?" rồi quăng mớ tiền lấp lánh dưới trăng đêm cho Sương (trong truyện, Út Vũ nhẹ nhàng "tôi trả cho hồi hôm" ngay trong bữa cơm). Đỉnh điểm của lòng thù hận và tận dụng cơ hội để trả thù đời khi Út Vũ ngọt nhạt để một người đàn bà góa chồng đi theo mình, nhưng khi người đàn bà ôm gói đồ cuối cùng te tái chạy ra thì Út Vũ đã giục hai đứa con chèo ghe xa khuất. Sự chưng hửng, bẽ bàng của người đàn bà tưởng mái ấm đã gần kề, bị tiếng cười hoang dại, cay đắng của gã đàn ông từng bị phụ bạc, nuốt chửng.

Nhân vật ít, nên đất diễn dày dặn, chất chứa tâm trạng đè nén. Út Vũ lầm lì, cộc tính, ác tâm ngay cả với những đứa con mình đẻ ra. Nương khác trong truyện, có phần mạnh mẽ hơn (bằng chứng là học lóm mấy thế võ khi cha dạy em trai và đã áp dụng để thắng đám cướp vịt), căm ghét cha cùng cực. Điền yếu đuối hơn, phản ứng bộc phát trước những hành xử kỳ lạ của người lớn. Gái điếm Sương chưa từng được xem là người, nhưng lại là kẻ trông có vẻ người nhất, nhân vật dẫn dắt xuyên suốt câu chuyện.

Cánh đồng bất tận, cánh đồng lấm láp bùn đất và máu sau trận ẩu đả cướp vịt, cưỡng bức của cha con Út Vũ, Nương với những thanh thiếu niên sinh ra và mang những cái tên Hận, Thù để lớn lên, cũng là cánh đồng "chốt" lại cuộc đời Út Vũ. Út Vũ chết, mang theo lòng thù hận chưa nguôi, chết dưới tay của những đứa trẻ mang tên Hận, Thù, nhưng không thể kịp mang theo tiếng gọi cha duy nhất và cuối cùng của Nương trong suốt những tháng năm ba cha con rong ruổi cùng nhau trên những chuyến ghe.

Nếu không xem Cánh đồng bất tận với tâm thế để "soi" kịch có "phá hỏng" văn học không, xem cánh đồng ấy trên sàn sân khấu có bất tận tự sự, tình yêu lẫn những u uất không, thì Cánh đồng bất tận của sân khấu 5B vẫn là một vở chính kịch độc lập với nguyên tác, đáng xem giữa những vở kịch hài đầy rẫy hiện nay.

  • Võ Tiến

1 nhận xét:

  1. đọc Cánh Đồng bất tận buồn chết đj được

    Trả lờiXóa