Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Công ty Hợp danh (3)

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ CTHD

Phần III:

THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TY HỢP DANH Ở

VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

I. THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TY HỢP DANH Ở VIỆT NAM([1])

1. Nhận thức của xã hội đối với loại hình công ty hợp danh:

Loại hình CTHD chỉ mới được quy định từ Luật DN 1999 với 4 điều và đến nay là LDN 2005 với vẻn vẹn 11 điều luật nên đối với xã hội còn khá mới mẻ. Nhiều người chưa nhận thức được bản chất của nó nên còn xem CTHD là một trong những loại hình DN đại diện cho chủ sỡ hữu tư nhân. Các nhà kinh doanh khi tìm hiểu pháp luật cũng dễ dàng nhận ra những điểm yếu: CTHD không thể trở thành một bên của hợp đồng kinh tế theo pháp luật về hợp đồng của Việt Nam; khả năng huy động vốn hạn chế; những tranh chấp liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động dễ xảy ra. Với CTHD, các nhà đầu tư chỉ có 2 lựa chọn:

- Chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản và chia sẻ quyền quản lý với ít nhất là 1 người khác (TVHD).

- Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản nhưng không có quyền quản lí công ty (TVGV).

Với các nhà đầu tư, đây là những sự chọn lựa không thu hút và khó chấp nhận mạo hiểm đầu tư với những rủi ro cao.

Những người dân chưa nhận thức được vai trò của việc Luật DN ghi nhận thêm một loại hình doanh nghiệp mới, không hiểu rõ về CTHD. Do đó, một số nhóm kinh doanh, hộ kinh doanh có thể có điều kiện để chuyển thành CTHD nhưng không muốn chuyển đổi. Điều kiện để được chuyển đổi là: có từ 2 trụ sở kinh doanh trở lên, thường xuyên tuyển lao động. Do vậy, nhiều nhóm kinh doanh, hộ kinh doanh đã cố gắng phá vỡ 1 trong 2 điều kiện trên để không chuyển thành CTHD. Họ chưa thấy rõ được lợi ích mang lại của CTHD: góp phần làm văn minh hóa hành vi kinh doanh; ở vị trí một công ty, CTHD mang lại một số quyền mà các mô hình kinh doanh không có được.

2. Thực trạng đăng ký kinh doanh của các công ty hợp danh:

a. Số lượng đăng ký kinh doanh ít ỏi:

- Đến ngày 01/07/2002: trong tổng số 56.737 doanh nghiệp, DN có vốn trong nước chiếm 54.723 DN, trong đó có 24.903 Doanh nghiệp tư nhân, 18.733 công ty cổ phần và chỉ có 14 công ty hợp danh([2]).

- Trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến tháng 01/2003 không có ai ĐKKD Công ty hợp danh([3]).

- Theo số liệu từ Trung tâm thông tin doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Đăng ký kinh doanh từ 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2005, toàn quốc có 39.959 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Trong đó có 9.259 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 23,17%), 22.341 công ty TNHH 2 thành viên trở lên (chiếm 55,9%), 8.010 công ty cổ phần (chiếm 20,04%), 8 doanh nghiệp nhà nước bằng 0,02%, 292 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 0,73%) và chỉ có 13 công ty hợp danh (chiếm 0,03%).

Số lượng CTHD đã được thành lập theo LDN có thể rất khiêm tốn nhưng trong thực tiễn kinh doanh Việt Nam không thiếu những mô hình liên kết với những đặc trưng có thể so sánh được với hợp danh (hiểu theo nghĩa rộng là mọi thỏa thuận hùn vốn, tạo lập tài sản, kinh doanh chung, chia sẻ điều hành và lỗ lãi…). Điển hình là:

- Các hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (phổ biến trong viễn thông, thăm dò dầu khí, dịch vụ giáo dục…)

- Các hợp danh đấu thầu của 2 hay nhiều đơn vị dự thầu.

- Tổ hợp các nhà đầu tư (consortium).

- Các liên kết đa dạng dưới tên gọi hợp đồng liên kết kinh doanh (doanh nghiệp có quyền sử dụng đất liên kết với người khác nhằm khai thác dự án chung cư, trung tâm thương mại, cho thuê…).

b. Lý do của thực trạng đăng ký kinh doanh CTHD hiện nay:

Nếu được quyền tự do lựa chọn, người ta có thể ngần ngại trước mô hình CTHD theo LDN 2005 bởi những lẽ dưới đây:

- Buộc thành viên chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới.

- Việc quản lí cơ sở kinh doanh có thể gặp khó khăn vì tất cả các TVHD đều có quyền dự họp, thảo luận và biểu quyết, thậm chí mỗi thành viên có thể có một phiếu biểu quyết với cách thức dân chủ có thể so sánh được với các HTX, cơ chế đồng thuận này làm cho việc quyết định kinh doanh đôi khi trở nên mất thời gian([4]).

- Việc rút lui, bán lại phần vốn góp trong cơ sở kinh doanh không dễ dàng vì cần phải được các thành viên hợp danh còn lại chấp nhận.

- Ngoài ra, các quy định về CTHD của LDN còn mang tính nguyên tắc, nếu thiếu thỏa thuận chi tiết. xung đột lợi ích giữa các thành viên khó có thể được điều hòa ổn thỏa. Bên cạnh đó, CTHD cũng phải chịu thuế những những công ti khác nên mô hình này không mang lại một ưu thế đáng kể nào về thuế đối với người kinh doanh.

- Bên cạnh đó cũng do ảnh hưởng xã hội nhìn nhận chưa đúng, chưa sâu sắc bản chất pháp lí của CTHD. Thời gian chưa đủ đài để cho các nhà đầu tư lựa chọn mô hình này (mới được quy định trong Luật).

- Pháp luật chưa có những quy định cụ thể. Pháp luật kinh tế chưa đồng bộ, chưa tạo ra được môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư. Số lượng các nhóm kinh doanh, hộ kinh doanh đông và được tổ chức gần giống CTHD lại ngần ngại chuyển đổi mô hình hoạt động.

- Thành viên hợp danh phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ngành nghề ĐKKD của CTHD. Việc xin cấp chứng chỉ hành nghề không đơn giản.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:

Qua những phân tích đánh giá trên đây, chúng ta có thể đề cập đến một số biện pháp để hoàn thiện pháp luật về công ty hợp danh và làm cho loại hình này phổ biến hơn như sau:

1. Phân chia rõ ràng 2 loại CTHD:

Đó là: Hợp danh thông thườngHợp danh hữu hạn. Hiện nay chỉ có 1 quy định duy nhất về CTHD nên 2 loại này về cơ bản chỉ được ghi nhận trong 1 định nghĩa. Điều này dẫn đến 1 số khó khăn nhất định khi xem xét các trường hợp giải thể bắt buộc của CTHD ( vì lý do không có đủ số lượng thành viên tối thiểu theo yêu cầu trong 6 tháng liên tục). TVGV không có quyền quản lý nhưng không phủ nhận được vai trò của họ. Hai loại trên có bản chất tương đối giống nhau nhưng vẫn có những đặc điểm pháp lý khác biệt. Nên quy định việc giải thể bắt buộc rõ ràng như sau:

(1) Đối với CTHD chỉ có TVHD: Không còn đủ 2 TVHD.

(2) Đối với CTHD có TVHD và TVGV: Không còn đủ 3 thành viên (không đủ 2 TVHD hay không có TVGV nào).

Nếu có quy định đối với Công ty hợp danh hữu hạn thì nếu loại này không đáp ứng điều kiện về số lượng thành viên có thể chuyển đổi sang CTHD thông thường nếu vẫn còn đủ 2 TVHD. CTHD là loại hình công ti đóng đặc thù nên bất kỳ một biến động nào của phạm vi thành viên hay cơ cấu vốn góp cũng để ngỏ khả năng phá vỡ nền tảng cơ sở của công ti và buộc chuyển đổi loại hình. Thay vì giải thể, có thể quy định thêm một số trường hợp chuyển đổi CTHD từ hữu hạn sang thông thường và ngược lại.

2. Quy định rõ quyền và nghĩa vụ của Thành viên góp vốn:

Những quy định về thành viên góp vốn hiện nay còn khá sơ sài, nhất là chưa có chế tài xử lí và dự liệu những vi phạm của TVGV này. Nên quy định TVGV phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với những thương vụ do mình tạo lập do vượt quá thẩm quyền. Việc chuyển nhượng vốn góp của TVGV còn phụ thuộc thành viên hợp danh là một bất cập góp phần làm hạn chế hoạt động của CTHD. TVHD mới cần có sự hiện diện của yếu tố nhân thân nên quy định khắt khe về chuyền nhượng vốn là đúng. Còn TVGV chẳng qua chỉ hiện diện thông qua phần vốn góp. Luật DN quy định theo hướng bắt buộc TVGV phụ thuộc quá nhiều vào điều lệ. Cần đưa ra những điều kiện cụ thể hơn để các TVHD ở một mức độ nào đó không thể hạn chế việc chuyển nhượng vốn của các TVGV và họ được rút khỏi công ty nếu được đa số TVHD chấp nhận.

3. Cho phép công ti hợp danh được phát hành trái phiếu:

Trên thế giới chỉ quy định CTHD không được phát hành cổ phiếu. Việc phát hành trái phiếu không ảnh hưởng đến tính chất đóng, hạn chế tiếp nhận thành viên của loại công ty này bởi: người mua trái phiếu thực chất là chủ nợ của công ti chứ không phải là thành viên của công ti. Điều này sẽ giúp cho công ti hợp danh huy động vốn một cách dễ dàng hơn, thu hút được các nhà đầu tư hơn, thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh, nhất là thực tế CTHD ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại mang bản chất đối vốn nên rất thiếu vốn hoạt động.

4. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biền CTHD:

Biện pháp này nhằm góp phần phổ biến sâu rộng loại hình CTHD vào đời sống xã hội và đời sống doanh nghiệp hơn qua các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng bởi một thực tế hiện nay ngay cả những diễn đàn của luật sư và doanh nghiệp cũng ít đề cập, thậm chí là không đề cập đến mô hình công ty hợp danh này. Bên cạnh đó, số lượng công trình nghiên cứu khoa học về Công ty hợp danh cũng chỉ ở mức hạn chế. Việc tuyên truyền sâu rộng bằng những bài viết chất lượng, đi sâu làm nổi bật bản chất và vai trò của CTHD có thể giúp mọi người hiểu rõ được bản chất pháp lý của mô hình có nhiều tiềm năng và ý nghĩa to lớn này. Làm được điều này cùng với sự điều chỉnh lại quy định của Luật Doanh Nghiệp sẽ góp phần đưa loại hình này vào cuộc sống một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn, bởi: không có loại hình nào là không cần thiết cả.

KẾT LUẬN

------

Với những phần đã trình bày ở trên, hy vọng sẽ góp phần vào việc tìm hiểu công ty hợp danh hơn. Với những ưu điểm như: tạo được sự tin cậy đối với bạn hàng, làm cho môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, đẩy mạnh xu hướng làm việc cam kết theo khả năng chứ không theo kết quả, Nhà nước kiểm soát được hoạt động (một trong những lý do để quy định CTHD có tư cách pháp nhân và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp)…thiết nghĩ mô hình này cần được nhanh chóng hoàn thiện để đi vào đời sống một cách mạnh mẽ. Để làm được điều đó, chúng ta cần một tư duy thoáng hơn trong xây dựng và áp dụng luật. Trong kinh doanh, việc lựa chọn loại hình phù hợp với ý tưởng và khả năng của mình, các thương nhân luôn cân nhắc và đánh giá toàn diện. Với những quy định hiện nay của Pháp luật Việt Nam về công ti hợp danh thi loại hình này khó mà phát triển được như mong muốn. Môi trường kinh doanh ngày càng năng động, mở rộng với nhiều phương thức phong phú nên loại hình nào cũng cần cho nền kinh tế thị trường. Công ti hợp danh là một mô hình hay, thể hiện được tập trung ý chí của các thành viên tham gia và nhất là tạo được sự tin cậy của bạn hàng kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-----------------

1. Giáo trình Luật Thương Mại, tập 1, ĐH Luật Hà Nội, NXB.CAND năm 2006.

2. Giáo trình Luật Kinh tế, tập 1, Khoa Luật ĐH Quốc Gia Hà Nội, NXB.ĐH Quốc gia Hà Nội 2006.

3. Luật Doanh Nghiệp 2005, NXB. Thống kê năm 2006.

4. Luật phá sản 2004, NXB. Tư pháp 2006.

5. Một số vấn đề pháp lý về Công ty Hợp danh, Vũ Đặng Hải Yến, Luận văn Thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2003.

6. Một số khía cạnh pháp lý về Công ty Hợp danh, Trần Thùy Anh, Luận văn Thạc sĩ khoa học, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Paris II Panthenon – ASSAS, 2001.

7. Thời báo Kinh tế sài Gòn, 10/2002.

8. Website: luatsu.vn, Mục luật kinh tế.

9. Website: Mof.gov.vn (Bộ Tài chính).




[1] Phần này có tham khảo Luận văn Thạc sĩ Luật học của tác giả Vũ Đặng Hải Yến, xem Danh mục tài liệu tham khảo trang 24.

[2] Theo thống kê của Thời báo kinh tế Sài Gòn, 10/2002.

[3] Theo Website Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội.

[4] Giáo trình Luật Kinh tế tập 1, trang 55, Khoa Luật ĐH QG Hà Nội, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội 2006.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn a về entry này nha!^^. Đọc và hiểu thêm một ít...

    Trả lờiXóa