Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Quyền Được Chết (Chương III)

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

Chương III

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT VỀ XÂY DỰNG LUẬT AN TỬ Ở VIỆT NAM

ở Việt Nam, để công nhận quyền được chết là một vấn đề lâu dài. Phong tục, tập quán và truyền thống á Đông đã chi phối điều này. Bên cạnh đó, sự lo sợ Luật An tử khi ban hành sẽ bị lạm dụng cũng góp phần vào những quan điểm chống lại an tử hiện nay. Điều cần làm bây giờ là thay đổi những quan niệm, những cách nhìn nhận sai lầm về quyền được chết và cái chết êm ả chứ không phải cố gắng ban hành Luật An tử trong điều kiện chưa phù hợp như hiện nay.

I. Đánh giá về xu hướng xây dựng Luật An tử ở Việt Nam

1. Một vấn đề còn nằm trong tương lai

Như đã phân tích ở các chương trên, việc nhìn nhận vấn đề chấp nhận quyền được chết ở Việt Nam còn trong tương lai là đúng đắn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có những yếu tố và điều kiện ban đầu cho việc xây dựng Luật An tử. Khi Việt Nam đưa quyền được chết vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật Dân sự 2005 tại Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ 6 và 7) là đã bắt đầu cho một hành trình mới: xây dựng Luật An tử. Tuy quyền được chết chưa được thông qua tại kỳ họp này nhưng cũng là sự kiện đóng vai trò ghi dấu mốc đầu tiên cho hành trình này. Thiết nghĩ, xây dựng Luật An tử là xu hướng chung của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tất cả còn phụ thuộc chủ yếu về mặt thời gian: thích hợp hay chưa thích hợp.

Một điều phải công nhận là truyền thống phương Đông chúng ta luôn coi trọng sự sống con người, xem nó là thứ quý giá nhất. Từ lâu, quan niệm này đã ăn sâu vào gốc rễ tâm hồn mỗi người dân. Tuy nhiên, có phải vì thế mà quyền được chết sẽ vĩnh viễn không được công nhận hay không? Không, chắc chắn là không phải như thế. Ngay cả phương Tây- nơi mà truyền thống, phong tục không quá nặng nề và tư tưởng thoáng hơn phương Đông thì cũng chỉ có vài nước công nhận quyền được chết và cái chết êm ả. Nhưng ở phương Tây thì lý do để đa phần các quốc gia không chấp nhận an tử lại không phải là phong tục, tập quán mà là vì các lý do thuộc về luật pháp, tôn giáo và chính trị... Còn ở phương Đông, vấn đề không chỉ dừng lại như thế. Làn sóng tư tưởng phương Tây ngày càng tràn vào Châu á như vũ bão. Thế giới đã thay đổi, hòa nhập hay hòa tan vào dòng chảy toàn cầu hóa đang là bức xúc của nhiều quốc gia. Tuy vậy, quan niệm truyền thống cũng khó mà thay đổi ngay trước những tác động này, chí ít là ở thời điểm hiện tại. Do đó, phong tục, tập quán luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi xem xét quyền được chết.

Trở lại với câu hỏi ở trên: liệu có phải truyền thống phương Đông sẽ vĩnh viễn không chấp nhận an tử hay không? Chúng ta cần nhìn nhận rằng, trong thời điểm hiện tại không thể thay đổi được ngay quan niệm coi trọng sự sống như đã nói. Quan niệm coi trọng sự sống con người có những cơ sở hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, không vì thế mà không chấp nhận an tử bởi chấp nhận an tử đâu có nghĩa là không tôn trọng sự sống nữa. Khi đó, người bệnh đã tôn trọng cuộc sống của những người khác. Sẽ khó khăn như thế nào cho gia đình, xã hội khi họ còn sống và bản thân họ thì sự sống không được đảm bảo nữa. An tử ở đây là theo những điều kiện nhất định và với những mục đích nhân đạo. Nếu có một cái nhìn tổng quát, xem xét trên nhiều bình diện khác nhau thì quan niệm truyền thống đã đến lúc phải thích nghi với cái mới, nhưng là sự thích nghi dần dần. Nhiều người tuy cũng có suy nghĩ “con người có quyền được sống thì cũng có quyền được chết” nhưng do sức ép của quan niệm truyền thống chi phối nên dẫn đến không ủng hộ an tử. Cần phải hiểu rằng: công nhận quyền được chết nhưng không phải cứ muốn “chết” là được chết vì nó còn theo những quy định và cách thức nghiêm ngặt nhất định. Để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp chúng ta cần rất nhiều thời gian nhưng để phá hủy nó thì chỉ trong tích tắc. Do đó, không thể tùy tiện cố gắng ban hành Luật An tử khi đang có nhiều quan điểm chống lại như thế. Nếu điều đó xảy ra, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân đã bị rạn nứt bởi những phong tục, tập quán coi trọng sự sống. Bên cạnh đó, quyền được chết là một vấn đề mới mẻ, còn xa lạ với người dân Việt Nam. Mọi người chưa hiểu hết được về an tử, chưa tường tận về nó nên chống lại nó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không phải vì thế mà quyền được chết sẽ vĩnh viễn không được chấp nhận.

Cùng với sự phát triển của kinh tế - chính trị, văn hóa nhân loại đang ngày càng có xu hướng toàn cầu hóa. Truyền thống á Đông muốn giữ vững và nâng cao bản sắc thì phải có sự thay đổi có chọn lựa và phù hợp với quốc gia của mình. Tiếp thu nhưng không mất đi bản sắc mới là điều đáng quý. Hiện tại, chúng ta không thay đổi ngay được quan niệm coi trọng sự sống bởi nó quá đột ngột, quá sớm. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt cơ sở để dần chấp nhận an tử bằng cách: làm cho mọi người tiếp cận những kiến thức về quyền được chết nhiều hơn, phổ biến sâu rộng hơn. Những phương pháp thuyết trình và chính trị bao giờ cũng an toàn hơn biện pháp cưỡng chế. Có thể truyền thống phương Đông vẫn coi trọng sự sống nhưng lại chấp nhận an tử nếu người dân hiểu rõ bản chất của nó và tất nhiên, đi kèm là một hệ thống pháp luật đảm bảo cho Luật An tử không bị lạm dụng. Vẫn tôn trọng sự sống mà lại chấp nhận an tử nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự lại không như thế. Lý do rất đơn giản: nếu chấp nhận quyền được chết mà lại bỏ đi quan niệm coi trọng sự sống sẽ là một điều hết sức nguy hiểm. Như thế, bản sắc đã mất, truyền thống đã tiêu tan. Khi đó, con người ta dễ rơi vào những tình huống xấu gây ảnh hưởng đến gia đình, xã hội bằng chính hành vi của họ.

Như vậy, chúng ta không nên suy nghĩ làm thế nào để thay đổi truyền thống, quan niệm bởi đó là điều không thể mà hãy làm sao để truyền thống á Đông chấp nhận an tử. Đó mới là giải pháp thích hợp nhất. Lúc đó, quan niệm coi trọng sự sống và quyền được chết cùng hòa hợp trong một quốc gia, như thế vừa giữ gìn bản sắc và vừa tiếp thu cái mới. Để làm được điều này có rất nhiều biện pháp phải thực hiện song song mà quan trọng nhất là thuộc về hệ thống pháp luật và các yếu tố chính trị, xã hội... Sự thích ứng dần dần của truyền thống với quyền được chết để đi đến chấp nhận an tử chính là câu trả lời cho câu hỏi trên.

Tóm lại, vấn đề xây dựng Luật An tử ở Việt nam hiện nay là vấn đề còn nằm trong tương lai và trước mắt cần quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề xung quanh, nhất là truyền thống Phương đông trước khi muốn bước vào quá trình xây dựng Luật này.

2. Điều kiện để một Quốc gia có thể ban hành Luật an tử

Chúng ta có thể rút ra một số điều kiện để một quốc gia có thể ban hành Luật An tử như sau:

· Nhu cầu xã hội: số lượng bệnh nhân giai đoạn cuối, mắc bệnh vô phương cứu chữa xin được chết lớn. Trong giới bác sỹ tồn tại nhiều bức xúc, bất cập mà cách giải quyết tốt nhất là ban hành Luật An tử.

· Quốc gia đó có hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, nghiêm minh. Kỹ thuật lập pháp của nước đó đủ để có thể xây dựng luật ít bị lạm dụng nhất.

· Người dân nước đó có ý thức tôn trọng chặt chẽ những điều được quy định trong pháp luật.

· Tại thời điểm muốn ban hành Luật An tử không có quá nhiều người của quốc gia đó phản đối (điều này sẽ được thể hiện qua những cuộc thăm dò dư luận). ở những nước phương Đông, điều này càng quan trọng.

3. Nếu quyền được chết được ghi nhận trong hệ thống pháp luật

· Phải được ghi nhận là một quyền dân sự cơ bản trong các đạo Luật gốc (Luật Dân sự...) để quyền được chết được công nhận là quyền nhân thân chính thức về mặt khoa học pháp lý.

· Sau khi được ghi nhận trong các đạo Luật gốc thì quyền được chết phải được cụ thể hóa trong một Luật chuyên ngành như Luật An tử. Điều này rất cần thiết vì trong các đạo luật gốc, hầu như các vấn đề chỉ được quy định chung chung, không rõ ràng bằng 1, 2 điều Luật. Với một vấn đề khó, dễ bị lạm dụng như quyền được chết thì việc cụ thể hóa thành một Luật riêng càng có ý nghĩa quan trọng.

II. Phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật an tử:

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đề cập đến vấn đề này. Sẽ có quan điểm cho rằng nói đến vấn đề này bây giờ là còn quá sớm, không cần thiết và không có tác dụng gì cả vì đa phần quan điểm chống lại an tử và Việt Nam cũng chưa thông qua. Nhưng lý do quan trọng để hầu hết mọi người chống lại an tử là: sợ nó sẽ bị lạm dụng vào những mục đích xấu. Do đó, để mọi người thay đổi quan niệm về vấn đề này và hiểu rõ hơn về an tử thì nên cho họ thấy được luật an tử sẽ quy định những vấn đề gì, quy định như thế nào. Có thể họ chỉ dừng lại ở mức độ tiếp cận, tìm hiểu về an tử nhưng cũng có thể họ sẽ tham gia đóng góp ý kiến cho nội dung của luật. Nhân dân tham gia vào việc xây dựng luật cũng là mong muốn của các nhà làm luật. Đây cũng là một bước để mọi người hiểu thêm về an tử. Hãy gạt vấn đề có ban hành hay không ban hành luật an tử sang một bên và nên tập trung cho câu hỏi: họ đã hiểu đến như thế nào về an tử.

Trên cơ sở tham khảo Luật của một số nước đã thông qua Luật An tử (Hà Lan, Bỉ, Bang Florida và Oregon của Mỹ...) và phân tích thực trạng của quyền được chết, người viết xin phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật An tử như sau:

1. Giải thích cặn kẽ các khái niệm ban đầu:

Đây là phần không thể thiếu trong nội dung chính của bất kỳ luật nào. Đối với vấn đề quyền được chết, điều này càng quan trọng hơn bởi tính chất quan trọng và phức tạp của nó. Một số khái niệm mà Luật An tử nên giải thích như sau:

· Người đã thành niên (adult)

· Cái chết êm ả (an tử, euthanasia)

· Bệnh nhân (patient)

· Bác sỹ (doctor, physician)

· Bệnh nan y, vô phương cứu chữa

· Tình trạng giai đoạn cuối của bệnh (có 2 loại: thứ 1 là end-stage conditinon: tình trạng bệnh không thể thay đổi được, gây nên bởi những tại nạn hay do mắc bệnh, việc điều trị không mang lại kết quả gì; thứ 2 là terminal condition: tương tự như loại 1 nhưng nếu không chăm sóc điều trị sẽ hình thành nên cái chết)

· Các biện pháp kéo dài sự sống (life-prolonging procedures)

· Bác sỹ điều trị, bác sỹ thứ 2 (a second doctor) được hỏi ý kiến, hội đồng bác sỹ.

· Chúc thư y tế (living will): rằng khi người bệnh bước vào giai đoạn cuối không chữa trị được nữa thì có quyền được chết, chỉ định một người khác là đại diện nếu lúc đó người bệnh không còn biểu lộ ý chí được và người đại diện sẽ quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân.

· Người giám hộ, người đại diện

· Người được ủy nhiệm bởi bệnh nhân (surrogate)

· Người được ủy quyền, được chỉ định (bởi các cơ quan có thẩm quyền: như Tòa án) (proxy)

· Người làm chứng cho chúc thư y tế (witness)

Trên đây chỉ là một số khái nịêm ban đầu có tính chất xây dựng. Quyền được chết còn liên quan đến nhiều khái niệm mà nhà làm luật cần lưu tâm.

2. Điều kiện của chủ thể thực hiện quyền được chết

Không phải có quyền được chết thì muốn “chết” là “được chết”. Đúng thế. Để thể hiện đúng bản chất của an tử, cá nhân đó phải thỏa mãn các điều kiện sau:

· Là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên)

· Đang chịu nhiều đau đớn về thể chất và tinh thần hay đang sống trong trạng thái thực vật dai dẳng, kéo dài sau một tai nạn hoặc mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa.

· Tự nguyện đưa ra yêu cầu xin được chết, không chịu áp lực nào từ bên ngoài. Yêu cầu được lặp đi lặp lại nhiều lần.

· Có chúc thư y tế (nếu bệnh nhân lúc lập chúc thư chưa bước vào giai đoạn cuối của bệnh tật). Xem phụ lục mẫu chúc thư y tế của bang Florida, Mỹ ở cuối công trình (trang 48)

· Không có vấn đề nào về tâm thần khi đưa ra quyết định xin được chết (lúc xin chết tại thời điểm ở giai đoạn cuối) hay lập chúc thư y tế (khi chưa bước vào giai đoạn cuối).

Bệnh nhân có quyền thay đổi quyết định bất cứ lúc nào. Như vậy, chúng ta đã loại trừ các dạng bệnh nhân khác như: tâm thần, người già neo đơn không nơi nương tựa bị bệnh tật, người thiểu năng trí tuệ... và chỉ cho phép các bệnh nhân thỏa mãn điều kiện ở trên có quyền xin được chết. Hà Lan còn quy định an tử đối với trẻ em: bệnh nhân từ đủ 12 đến dưới 16 tuổi cần có ý kiến của gia đình, từ đủ 16 tuổi trở lên thì ý kiến gia đình là không cần thiết. Nhưng theo chủ quan của tác giả, đây là đối tượng có khả năng bị lạm dụng vào mục đích xấu nhiều nhất. Những hủ tục trọng nam khinh nữ hay những xô đẩy của cuộc sống sẽ góp phần làm cho luật bị đi chệch hướng. Nếu có quy định này phải giới hạn và quy định chặt chẽ. Thiết nghĩ, nếu có quy định an tử cho trẻ em thì phải có ý kiến của gia đình. Nếu gia đình không đồng ý thì không thể thực hiện an tử đối với trẻ em.

3. Những quy định đối với bác sỹ:

Những quy định đối với bác sỹ sẽ có liên quan đến các loại sau: bác sỹ chăm sóc, bác sỹ điều trị, bác sỹ tâm thần.

Theo khoản 2 điều 293, Bộ luật Dân sự Hà Lan[1] thì yêu cầu đối với bác sỹ khi thực hiện an tử là:

· Được thuyết phục rằng quyết định của bệnh nhân là tự nguyện, được xem xét một cách cẩn trọng và bền vững

· Được thuyết phục rằng sự đau khổ của bệnh nhân không giảm đi và không chịu đựng được

· Được thông báo khả năng tương lai của bệnh nhân: không tránh được cái chết

· Đã có kết luận cuối cùng là bệnh nhân không còn sự lựa chọn hợp lý nào khác

· Phải hỏi ý kiến của ít nhất 1 bác sỹ

· Phải thực hiện thủ tục theo một quy trình y khoa thích hợp, nghiêm ngặt

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những yêu cầu cơ bản của bác sỹ khi thực hiện an tử. Quy định này sẽ còn thay đổi trong nhiều trường hợp khác nhau nữa mà luật cần quy định rõ ràng. Cũng cần quy định thêm: bác sỹ đó phải có chứng chỉ hành nghề, làm việc trong các bệnh viện. Cần thiết có một bác sỹ chẩn đoán chính xác tình hình hiện tại của bệnh nhân là không thể cứu chữa nữa, nhiều đau đớn kéo dài. Khi bệnh nhân chưa vào giai đoạn cuối mà lập chúc thư y tế thì phải có một bác sỹ tâm thần khám và xác nhận bệnh nhân đó không có vấn đề gì về tâm thần, không chịu sức ép nào từ bên ngoài, hoàn toàn tự nguyện. Tất cả những hoạt động này cần được lập thành văn bản, có người làm chứng và chữ ký của bác sỹ, bệnh nhân và những người liên quan khác.

Việc ra quyết định kết luận cuối cùng về tình trạng bệnh nhân nên thông qua một Hội đồng bác sỹ để mang tính khách quan. Qua đó, kết luận sẽ chính xác và ít bị lợi dụng hơn. Bác sỹ có quyền từ chối thực hiện an tử cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sỹ cần thông báo đầy đủ tình trạng và những thông tin mới về phương pháp chữa trị cho bệnh nhân. Tại Bỉ, quốc gia này còn quy định luật “cứu bệnh nhân liệt giường”, có chính sách hỗ trợ bệnh nhân không có khả năng kinh tế và bác sỹ có trách nhiệm thông báo cho người bệnh biết quy định này.

4. Quy định đối với cơ sở khám, chữa bệnh

Cơ sở khám chữa bệnh ở đây chỉ nên khoanh vùng ở các bệnh viện. Còn các trạm xá, trung tâm y tế với quy mô nhỏ thì không có đủ các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện tốt các yêu cầu của an tử.

Bệnh viện có quyền từ chối yêu cầu được an tử của bệnh nhân. Nếu bệnh viện đồng ý yêu cầu của bệnh nhân thì phải thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Bệnh viện cần có biện pháp đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân trong khả năng có thể và phối hợp tốt với gia đình bệnh nhân. Các bác sỹ của bệnh viện phải có thẻ hành nghề. Hội đồng bác sỹ do bệnh viện lập ra và chịu trách nhiệm về hội đồng này.

5. Quy định đối với chúc thư y tế

Chúc thư tế được lập khi bệnh nhân còn tỉnh táo, chưa bước vào giai đoạn cuối, chưa chịu nhiều đau đớn. Trong chúc thư:

· Bệnh nhân phải nêu rõ những yêu cầu và những quyết định của mình, chỉ định người được ủy nhiệm (nếu có) thay mình quyết định các vấn đề khi mất năng lực, ý chí. Người này phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và yêu cầu của bệnh nhân. Tất nhiên, người này phải đồng ý làm người được ủy nhiệm bằng cách ký tên vào chúc thư của bệnh nhân thì chúc thư mới có giá trị.

· Phải có chữ ký của bệnh nhân và 2 người làm chứng (những người này cũng phải đạt độ tuổi thành niên, không bị mất năng lực, ý chí). Bản chúc thư được lập thêm 4 bản nữa: 1 bản giao cho bệnh viện, 1 bản giao cho bác sỹ điều trị của bệnh nhân, 1 bản giao cho gia đình bệnh nhân, 2 bản còn lại giao cho 2 người làm chứng. Tất cả các bản sao phải được công chứng.

Tại Mỹ, theo quy định của Bang Florida thì chúc thư chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng. Còn Bang Oregon, chúc thư có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Chúc thư chỉ được thực hiện khi tại thời điểm đó vẫn còn hiệu lực và:

· Bệnh nhân đó bước vào giai đoạn cuối, bệnh tình được kết luận là vô phương cứu chữa hay chịu nhiều đau đớn

· Người được ủy nhiệm còn có đầy đủ ý chí, năng lực đề nghị yêu cầu an tử cho bệnh nhân đó (khi thấy thực tế đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu ra trong chúc thư)

6. Quy định đối với người được ủy nhiệm, được ủy quyền

Người được ủy nhiệm là người đã thành niên có đầy đủ năng lực được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế. Người này có quyền quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân khi bệnh nhân đã ở trong giai đoạn cuối và không thể biểu hiện ý chí của mình. Trường hợp này, chỉ có người được ủy nhiệm quyết định việc đề nghị bệnh nhân được “an tử” lúc nào khi bệnh nhân đã thỏa mãn các yêu cầu nêu trong chúc thư; có quyền đề nghị kiểm tra lại tình trạng của bệnh nhân có thỏa mãn các điều kiện của an tử hay không khi thấy có điều sai trái. Người được ủy nhiệm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu được bệnh nhân ghi trong chúc thư y tế trước đó. Nếu bệnh nhân tại thời điểm đó có thể biểu hiện ý chí thì quyền quyết định hoàn toàn ở bệnh nhân, người được ủy nhiệm không có quyền hạn gì. Điều này phải ghi rõ trong chúc thư.

Người được chỉ định, được ủy quyền là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực, không được bệnh nhân chỉ định trong chúc thư y tế. Có 2 trường hợp để chỉ định người được ủy quyền: người được ủy nhiệm trong chúc thư đến thời điểm đó bị mất năng lực, ý chí hoặc trong chúc thư không chỉ định một ai làm người ủy nhiệm. Khi đến thời điểm nhất định, bệnh nhân vào giai đoạn cuối, không biểu hiện được ý chí thì Tòa án sẽ chỉ định một người hay vài người quyết định việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Người này có thể là bác sỹ điều trị, người thân, bạn bè thân thiết của bệnh nhân đó...

Tuy những người này đều có quyền quyết định việc chăm sóc, chữa trị của bệnh nhân nhưng phải tuân theo nội dung của chúc thư, quy định của bệnh viện và các quy định của pháp luật



7. Quy định khi bệnh nhân không có chúc thư y tế

Vấn đề này khá phức tạp và khó có thể quy định một cách chặt chẽ nên có thể chia ra làm 2 trường hợp như sau:

7.1 Đến giai đoạn cuối mới xin được chết

Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn cuối, chịu nhiều đau đớn, kéo dài, các biện pháp đều vô ích mới có ý định xin được chết (nghĩa là còn biểu hiện được ý chí). Trước đó họ không có chúc thư y tế, nghĩa là cũng không có người được ủy nhiệm. Trường hợp này họ có thể ký vào đơn yêu cầu theo mẫu của bệnh viện dưới sự giám sát của bác sỹ và người làm chứng để xin được chết. Bác sỹ phải đưa ra được bằng chứng bệnh nhân đã yêu cầu nhiều lần, được lặp đi lặp lại một cách tự nguyện, không bị sức ép nào từ bên ngoài. Cần thẩm định chữ ký đó là chữ ký thật của bệnh nhân. Tất cả các quy trình khác đối với trường hợp này cũng phải theo những quy định của người có chúc thư y tế như: việc lập hội đồng bác sỹ, quy trình thực hiện an tử...

7.2 Bệnh nhân đang ở trong tình trạng mất ý thức kéo dài, bị chết não (sống thực vật), gia đình yêu cầu thực hiện an tử đối với bệnh nhân

Đây là an tử không tự nguyện và là một khía cạnh khó, thậm chí bị chống đối nhiều nhất vì dễ bị lạm dụng nhất. Có nên chấp nhận an tử không tự nguyện hay không cần phải cân nhắc kỹ. Cũng cần phân biệt nó với trường hợp hiện nay: gia đình bệnh nhân không còn khả năng kinh tế và bệnh nhân vô phương cứu chữa (cũng có thể là vẫn còn cách chữa nhưng lại không có khả năng kinh tế) nên xin cho bệnh nhân về để chờ chết hay tìm cách chữa trị khác ở chỗ: an tử không tự nguyện gồm các cách thức đưa bệnh nhân ra đi sớm hơn so với tự nhiên (rút ống dẫn dinh dưỡng, oxy hay tiêm thuốc...).

Theo quan điểm riêng của tác giả, chúng ta hoàn toàn có thể quy định an tử không tự nguyện. Nếu gia đình bệnh nhân:

· “xác nhận rõ ràng có bằng chứng thuyết phục về mong muốn thực tế của người bệnh, hoặc đó là mong muốn rõ ràng của người bệnh xét trong mọi mối quan hệ của người bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh và việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh. Bằng chứng chuẩn, rõ ràng, thuyết phục là tất cả ranh giới giữa người bệnh và một cái chết sai lầm”[2]

· Không còn khả năng kinh tế để tiếp tục việc điều trị cho bệnh nhân

thì có thể yêu cầu an tử đối với bệnh nhân hay làm như cách thức hiện nay nhẹ nhàng hơn là xin về nhà. Nếu sự chứng minh là không đủ thì người bệnh có quyền tiếp tục được nhận thức ăn và nước uống.

Trong nhiều trường hợp sẽ là hợp đạo lý và hợp pháp, về mặt lý thuyết, khi ngừng cung cấp dinh dưỡng nhân tạo và khí thở cho bệnh nhân đã sống ở trạng thái thực vật liên tục, thường xuyên, kéo dài. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự hợp lý, hợp pháp khi một hay những người được ủy quyền quyết định việc chữa trị cho người bệnh có bằng chứng hết sức rõ ràng, mạnh mẽ rằng họ đã bảo vệ cuộc sống của người bệnh, tôn trọng ý chí và quyền tự quyết của người bệnh[3]



8. Một số yêu cầu khác

Bên cạnh các vấn đề đã nêu ở trên, Luật An tử yêu cầu những quy định khác như:

· Nêu rõ ràng, cụ thể các dạng bệnh nhân xin được chết và các cách thức thực hiện an tử như đã trình bày ở chương I ở phần đầu của Luật An tử.

· Xây dựng quy trình xin được chết và thực hiện an tử phù hợp với những nội dung của Luật An tử. Quy định một cách nghiêm ngặt quy trình đối với từng trường hợp. Đây là một vấn đề rất quan trọng.

· Quy định thêm các biện pháp xử phạt hành chính đối với các tổ chức, các cá nhân vi phạm các quy định của luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tất nhiên Luật Hình sự cũng phải thay đổi, bổ sung thêm các tội liên quan đến Luật An tử của các cá nhân).

· Xác định rõ thẩm quyền của các cá nhân, tổ chức trong quyền được chết. Từ đó có sở pháp lý chắc chắn khi giải quyết các vụ việc phát sinh.

III. Một số kiến nghị trong quá trình tiếp cận với vấn đề quyền được chết và xây dựng Luật An tử ở Việt Nam

1. Để quyền được chết không còn quá mới mẻ

ở Việt Nam, cần xác định quyền được chết là còn quá mới mẻ để từ đó có những biện pháp làm cho người dân tiếp cận, hiểu rõ bản chất quyền được chết bằng những hành động cụ thể. Phải tôn trọng truyền thống phương Đông và dần dần làm cho nó chấp nhận an tử bằng những cách thức khác nhau.

Như đã phân tích ở các chương trên, quyền được chết không chỉ thuộc lĩnh vực y khoa mà còn liên quan đến chính trị, xã hội, tôn giáo... Nếu giải quyết không tốt hay hành động vượt ra khỏi khuôn khổ cho phép thì xã hội sẽ bất ổn. Truyền thống á Đông không chấp nhận an tử ngay nhưng phải được tiếp cận dần dần. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ bản chất của an tử, còn việc thông qua hay ban hành lại phụ thuộc nhiều vấn đề không đơn giản. Một số ý kiến đưa ra sau đây để góp phần làm cho quyền được chết không còn quá mới mẻ ở Việt Nam:

1.1 Thông qua sách, báo chí, truyền thông... nên có những bài viết tìm hiểu về an tử cũng như tình hình ở Việt Nam.

Nên đi sâu vào việc phản ánh thực trạng của quyền được chết hiện nay trên thế giới; phân tích những mục đích tốt đẹp, bản chất của quyền được chết. Bên cạnh đó, cần làm rõ những điều kiện để có thể ban hành Luật An tử, đặc biệt là những quốc gia phương Đông như Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho mọi người tiếp cận dần với quyền được chết, họ sẽ tìm hiểu về nó nhiều hơn. Do đó, quyền được chết sẽ không còn quá xa lạ .

1.2 Thống kê tình hình số lượng bệnh nhân đang mắc bệnh giai đoạn cuối, xin được chết.

Bộ y tế nên quy định các bệnh viện phải thực hiện việc thống kê này. Có thể việc thống kê sẽ gặp khó khăn bởi nhiều bệnh nhân chuyển từ nơi này sang nơi khác,... nhưng những số liệu có được sẽ giúp cho việc đánh giá tình hình nhu cầu trong xã hội có cơ sở và thuyết phục hơn.

1.3 Tổ chức các cuộc thăm dò lấy ý kiến nhân dân.

Phạm vi thăm dò cần theo diện rộng và trên nhiều thành phần xã hội để ý kiến được khách quan, toàn diện. Có nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Đan Mạch... không chấp nhận và không thông qua an tử nhưng theo kết quả thăm dò thì phần lớn nhân dân lại ủng hộ an tử. Chúng ta nên học tập điều này. Các cuộc thăm dò sẽ có 2 mục đích:

· Làm cho mọi người biết đến an tử, tiếp cận với nó

· Biết được nhu cầu cũng như tình hình quan điểm của quần chúng nhân dân

Vai trò của những cuộc thăm dò này rất quan trọng. Trong nhiều trường hợp nếu không tổ chức thăm dò sẽ dẫn đến tốn công sức và không hiệu quả trong xây dựng luật. Một ví dụ đơn giản: Quyền được chết đã được đề nghị đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI nhưng không có sự chuẩn bị chu đáo nên không được thông qua cũng là điều dễ hiểu. Sự không chuẩn bị ở đây phải hiểu là chưa có những cuộc thăm dò trong dân chúng. Các quốc gia trên thế giới bao giờ cũng thực hiện những công tác chính trị như thế nên họ có thể đánh giá được tình hình và vạch ra kế hoạch khi nào đưa ra dự thảo và như thế nào cho phù hợp. Tất nhiên, những cuộc thăm dò chỉ mang tính chất tham khảo chứ không có giá trị bắt buộc. Nhưng giá trị và ý nghĩa của nó rất lớn nên các nhà làm luật không thể không quan tâm đến vấn đề này. Luật phải phù hợp với thực tế, với nguyện vọng của nhân dân thì mới mong đi vào cuộc sống được.

Một vấn đề được đặt ra: nếu trong thực tế thực sự số lượng bệnh nhân giai đoạn cuối “xin được chết” có nhiều, cần thiết phải ban hành Luật An tử nhưng trong nhân dân vẫn phản đối nhiều thì chính quyền sẽ giải quyết như thế nào? Thời điểm này chính là lúc các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phát huy được hiệu quả phần nào. Nếu nhà làm luật đưa ra được một dự thảo luật hợp lý và có khả năng thực thi cao thì sẽ góp phần thay đổi quan niệm của mọi người. Bên cạnh đó cần quan tâm đến vấn đề phản biện xã hội, đặc biệt là những phản biện của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nếu người dân được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo thì chính bản thân họ đang góp phần làm cho Luật An tử hạn chế bị lạm dụng. Giải quyết được mối quan hệ giữa luật pháp và xã hội là con đường tốt nhất cho một đạo luật ra đời, tồn tại.

Quan niệm truyền thống cần có thời gian để thích nghi với cái mới. Cụ thể ở Việt Nam, quyền được chết là vấn đề còn quá sớm. Những cách thức và biện pháp đã đặt ra tuy chỉ để mọi người tiếp cận và hiểu rõ bản chất của an tử nhưng lại có giá trị to lớn. Điều này rất quan trọng bởi trong tình hình hiện tại, thay đổi ngay quan niệm truyền thống là điều không thể. Mọi vấn đề cần có thời gian và theo những bước tiến nhất định. Có thể vạch ra 2 bước quan trọng sau đây:

· Người dân hiểu được quyền được chết là gì, bản chất của an tử và tình hình hiện nay trên thế giới hiện nay như thế nào.

· Truyền thống á Đông chấp nhận an tử theo những điều kiện nhất định.

Những vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân sự, đặc biệt là quyền nhân thân của con người thì nên đi theo hướng như thế để luật hợp lý và có tính thực tế cao. Chính trị, xã hội và phong tục tập quán có mối quan hệ rất chặt chẽ với luật pháp. Nếu mối quan hệ này không tốt thì luật pháp không đi được vào cuộc sống và tất nhiên, xã hội sẽ bất ổn.

2. Một số kiến nghị trong quá trình xây dựng Luật An tử

* Tham khảo ý kiến của nhân dân. Nếu thực sự nhu cầu của xã hội chưa cao và còn nhiều quan điểm phản đối thì không nên ban hành Luật An tử

* Chuẩn bị kỹ những điều kiện cần thiết để có thể xây dựng luật an tử (nâng cao kỹ thuật lập pháp, mời các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ...)

* Học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là ở các nước đã hợp pháp hóa an tử để tìm ra những quy định phù hợp với quốc gia của mình

* Có thể ban đầu chỉ chấp nhận hành vi tự tử dưới sự hỗ trợ của bác sỹ để mọi người có thời gian quen dần, tìm hiểu. Sau đó mới đặt vấn đề hợp pháp hóa thành Luật An tử (Hà Lan là một ví dụ)

* Luật An tử chỉ nên được cho phép ở bệnh viện, được thực hiện bởi các bác sỹ có chứng chỉ hành nghề

* Thay đổi các luật khác cho phù hợp với quy định của an tử, đặc biệt là Luật Hình sự cần quy định thêm các tội danh vi phạm Luật An tử.

* Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An tử nên ban hành song song với thời điểm Luật An tử có hiệu lực để tránh những hiểu lầm, áp dụng sai không đáng có.

Hiện nay, Việt Nam chưa chấp nhận quyền được chết cũng như chưa xây dựng Luật An tử nên những phần trên, đặc biệt là phần những nội dung cơ bản của Luật An tử người viết chỉ nhấn vào những vấn đề quan trọng. Việc quy định cụ thể như thế nào xin dành cho những nhà làm luật trong tương lai khi xây dựng Luật An tử. Người viết là sinh viên luật năm thứ 2 và cũng nhận thấy nếu đi sâu quá vào những quy định của Luật An tử hiện tại là thực sự chưa phù hợp. Chỉ mong muốn được đóng góp ý kiến của mình chứ không có tham vọng được thực hiện và thực tế người viết cũng chưa có cơ hội để tham gia làm luật, ban hành luật. Mục đích của công trình khi đề cập đến những nội dung cơ bản của Luật An tử là để cho mọi người hiểu thêm về quyền được chết, góp phần thay đổi những quan niệm lo sợ luật sẽ bị lợi dụng. Nếu như một vấn đề mà biết chắc sẽ không được chấp nhận ở thời điểm hiện tại thì nên tìm hiểu thêm về nó, tiếp cận dần dần thì hơn. “Quen” bao giờ cũng dễ chấp nhận hơn là “mới, lạ, bất ngờ”. Truyền thống phương Đông sẽ chấp nhận an tử, chắc chắn là như thế. Hãy hy vọng và chờ câu trả lời ở phía trước.

---------------------------------------------------------------------------

KẾT LUẬN







Nhìn chung, khi đề cập đến vấn đề quyền được chết chúng ta cần thận trọng xem xét và đánh giá từ nhiều góc cạnh. Cuộc sống bao giờ cũng có những bề sâu, chìm lấp trong mớ hỗn độn mà ta không thể ngờ tới. An tử tuy không phải là vấn đề thời đại hiện nay nhưng là một vấn đề khó. Khó lý giải, khó thuyết phục và khó được chấp nhận.

Công trình đã xây dựng được khái niệm quyền được chết và thu được những kết quả nhất định cho mục đích tìm hiểu về quyền được chết. Chúng ta đã biết được tình hình quy định an tử hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam được đánh giá là còn chưa phù hợp, còn quá sớm. Bên cạnh đó, công trình cũng đưa ra được xu hướng đối với truyền thống phương Đông là chỉ nên tiếp cận dần quyền được chết để chấp nhận chứ không để thay đổi quan niệm. Đến thời điểm người ta vẫn tôn trọng sự sống đồng thời chấp nhận an tử thì quyền được chết mới hòa hợp với thực tại, phát huy được bản chất của mình. Trong tương lai, nếu xây dựng Luật An tử, người viết tin chắc rằng công trình này sẽ có giá trị về mặt thực tế hơn nữa bởi nó cũng chứa đựng những vấn đề cơ bản của Luật An tử. Đó là triển vọng của công trình.

Dưới góc nhìn và khả năng của một sinh viên Luật năm thứ 2, tác giả quan niệm: tìm hiểu một vấn đề không chỉ đơn giản là nêu thực trạng của vấn đề đó mà còn phải thể hiện được quan điểm của mình trên cơ sở các luận điểm khác nhau để đánh giá một cách đúng đắn. Nghiên cứu Quyền được chết nên như thế và phải như thế./.

--------------------------------------------------------------------------------





TÀI LIỆU THAM KHẢO





  1. Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005, NXB. Chính trị quốc gia năm 2006.
  2. Bộ Luật Hình sự Việt Nam 1999, NXB. Chính trị quốc gia năm 2006.
  3. Công ước nhân quyền Châu Âu.
  4. Giáo trình Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. Công an nhân dân năm 2000.
  5. Luật Phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) Việt Nam năm 2006.
  6. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Việt Nam ngày 29/11/2006.
  7. A Comparative case study euthanasia, Stephen Hicks, Workshop “How to teach Comparative Law”, Ha Noi, 21-23/04/2006, page 11, 12.
  8. Dutch Civil Code .
  9. Euthanasia: Comparasion between the UK& the Nertherlands, Britton A, AKveld H.
  10. The 2006 Florida statutes, Civil rights, chapter XLIV.
  11. The Oregon death with dignity act Oregon revised statutes, 2006

12. Các trang web :

Vbqppl.moj.gov.vn

Tuoitre.com.vn ngày 24/11/2004

Vnexpress.net các ngày: 11/04/2001, 01/09/2001, 16/05/2002, 24/12/2002, 22/03/2005

13. Các trang web: bbc.co.uk; euthanasia.com; westlaw.com

---------***---------

PHỤ LỤC

Mẫu Chúc Thư Y tế của bang Florida, Mỹ năm 2006[4]

Lời tuyên bố này vào ngày...tháng...năm...; tôi..( tên)......, với tất cả ý chí và sự tự nguyện thể hiện mong muốn của tôi về cái chết nếu tại thời điểm nào tôi mất khả năng và trong các hoàn cảnh

__(chọn X)_______Tôi ở thời kỳ cuối của bệnh

Hoặc__(chọn X)___Tôi ở trong tình trạng vô phương cứu chữa

Hoặc__(chọn X)___Tôi ở trong tình trạng sống thực vật

Và nếu bác sỹ điều trị hay chăm sóc của tôi và bác sỹ thứ hai được hỏi ý kiến có quyết định rằng không có loại thuốc nào có thể phục hồi sức khỏe cho những trường hợp như trên; tôi muốn rằng những biện pháp kéo dài sự sống được từ chối hay hủy bỏ khi đơn yêu cầu những thủ tục chỉ phục vụ để kéo dài sự sống nhân tạo trong quá trình của cái chết, và tôi được phép chết tự nhiên chỉ với sự quản lý của việc chữa bệnh bằng thuốc hay việc thực hiện bất kỳ loại thuốc nào cho rằng để làm cho tôi có sự chăm sóc nhẹ nhàng hay làm dịu đi sự đau đớn.

Đây là quyết định của tôi, rằng lời tuyên bố được tôn trọng bởi gia đình và bác sỹ như sự thể hiện cuối cùng quyền cơ bản của tôi từ chối thuốc hay sự điều trị bằng phẫu thuật và chấp nhận hậu quả từ sự từ chối đó.

Trong trường hợp tôi không thể biểu lộ ý chí và không được tôn trọng quyết định từ chối, từ bỏ hay tiếp tục những biện pháp kéo dài sự sống, tôi mong muốn được chỉ định người được ủy nhiệm của tôi để thực hiện những điều khoản của bản tuyên bố này:

Tên:__________________________________________________________Địa chỉ:_______________________________________________________

Điện thoại:_________________________

Tôi hiểu đầy đủ tầm quan trọng của bản tuyên bố này và tôi có đủ năng lực tinh thần và ý chí để lập bản tuyên bố này.

Những hướng dẫn thêm (không bắt buộc phải điền):

__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

_______(Ký tên)_______

______Người làm chứng thứ nhất______

____Địa chỉ____

____Điện thoại____

______Người làm chứng thứ hai______

___Địa chỉ ___

___Điện thoại___

-------------------The end------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét