Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Quyền Được Chết (Chương II)

QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

Chương II

TÌNH HÌNH QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN ĐƯỢC CHẾT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Với những vấn đề được trình bày ở chương I, chúng ta chỉ mới biết được các khái niệm ban đầu về quyền được chết và các vấn đề liên quan. Trên thực tế, có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau trong giới khoa học, đa phần chống lại an tử. Tại sao nước này quy định mà nước khác lại không quy định? Quan điểm của họ như thế nào?

I. Quy định của một số nước trên thế giới

1. Các quốc gia đã hợp pháp hóa quyền được chết và Luật An tử

Hà Lan đã đi vào lịch sử là Quốc gia đầu tiên áp dụng đạo Luật “cái chết êm ả”. Tháng 11 năm 2000, Hạ Viện Hà Lan đã thông qua dự Luật An tử. Đến ngày 10 tháng 04 năm 2001, với tỷ lệ áp đảo 46/28, Thượng viện Hà Lan đã bỏ phiếu thông qua đạo luật. Trước đó hơn 2 thập kỷ, các bác sỹ Hà Lan đã áp dụng phương pháp “cái chết êm ả” để giúp những người bệnh nặng ra đi. Việc thông qua đạo luật năm 2001 chỉ nhằm hợp pháp hóa một thực tế đã được chấp nhận, nhất là từ khi có bản hướng dẫn “cái chết hỗ trợ” được phác thảo vào năm 1993. Điều tra toàn quốc cho thấy gần 90% người dân nước này ủng hộ Luật An tử vì nó đảm bảo quyền cá nhân[1]. Năm 2006, Hà Lan còn cho phép an tử đối với trẻ em, trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng không thể cứu chữa.

Quốc gia thứ 2 hợp pháp hóa cái chết êm ả là Bỉ. Với 86 phiếu thuận, 51 phiếu chống và 10 phiếu trắng, tối 16/05/2002, Thượng viện Bỉ đã chấp thuận đạo luật cho phép bệnh nhân bị bệnh rất nặng có quyền được chết dưới những điều kiện nhất định. Đây là chặng cuối của cuộc đua pháp lý kéo dài 3 năm, khởi xướng vào năm 1999 khi mà lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm, liên minh dân sự lên nắm quyền ở Bỉ. ở một quốc gia mà đạo Thiên chúa chiếm ưu thế, ý tưởng hợp pháp hóa cái chết êm ả không gây mấy tranh cãi. Hạ viện Bỉ đã bật đèn xanh cho dự luật này vào tháng 10/2001. Điều tra tiến hành năm 2001 có tới 72% người dân đồng tình với cái chết êm ả[2].

Tại Mỹ, luật Liên bang cấm thực hiện cái chết êm ả. Bang Oregon là bang đầu tiên từ năm 1994 cho phép bệnh nhân yêu cầu được chết nhưng tòa án bang đã chống lại việc thực thi điều luật này và đến năm 1997 thì Tòa án tối cao của bang đã chấp nhận. Năm 1999, Bang Texas cũng cho phép an tử. Và đến hết năm 2006, ở cả 50 bang của Mỹ đã có đạo luật cho phép bệnh nhân ở trong các điều kiện nhất định được xin chết. Trước đó, Mỹ là nước tập trung nhiều vụ án liên quan đến an tử với nhiều ảnh hưởng lớn như: Quinlan, Curzan (xem In re karen Ann Quinlan, 355 A.2d trang 647, 666, N.JSup 1976) và Terri Schiavo[3] (kéo dài 8 năm) hay Bác sỹ Jek Kevorkian (người được mệnh danh là bác sỹ thần chết). Xin nói thêm về vụ việc của bác sỹ này như sau:

Jek Kevorkian là một cái tên không xa lại với nhiều người Mỹ. Ông là một trong những người “tiên phong” trong việc sử dụng phương pháp “cái chết êm ả” cho 130 bệnh nhân của mình trong 8 năm. Vị bác sỹ này đã chế tạo ra “chiếc máy giết người” (Mercitrion) để truyền các độc tố vào máu những người bệnh nặng nhưng không có khả năng tự tử. Ông còn dùng biện pháp khác là cho người bệnh đeo mặt nạ và để họ tự ngửi khí ga độc mà chết. Các vụ việc diễn ra trong một thời gian dài mà ông vẫn bình yên vô sự cho dù ông không che giấu hoạt động của mình. Lý do của điều này là do ông thừa hiểu Luật pháp Mỹ không cho phép thực hiện nên những bệnh nhân muốn chết đều phải có đơn tự nguyện. Năm 1998, khi muốn người ta bắt mình nên ông gửi đến kênh truyền hình CBS (Mỹ) cuộn băng video về cái chết của người bệnh Thomas Youk. Năm 1999, ông bị kết án tội giết người cấp độ 2 và được trả tự do vào ngày 01/06/2007 vừa qua vì lý do sức khỏe và chấp hành tốt nội quy nhà tù. Tuy nhiên, bác sỹ này vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Cuộc khảo sát của AP-Ipsos năm 2007 cho thấy 53% những người được hỏi cho rằng ông không đáng bị ngồi tù như vậy. Cuộc khảo sát này cũng tương tự như cuộc khảo sát do hãng thông tin ABC News đưa ra hồi năm 1999, rằng 55% người được hỏi không đồng tình với bản án bỏ tù ông. Qua vụ án này người dân Mỹ càng quan tâm đến vấn đề quyền được chết nhiều hơn và họ coi đây là một vụ điển hình, gợi mở thêm nhiều tranh luận về quyền được chết. Đến nay người ta vẫn chưa giải đáp được câu hỏi: liệu có hợp pháp không khi bác sỹ kê đơn thuốc giúp bệnh nhân đau yếu được chấm dứt cuộc đời của họ? Thực tế, những vụ án này đã thành “quả bóng chính trị” cho các Đảng phái “đá qua đá lại”. Đây là một điều vô cùng tệ hại bởi từ lĩnh vực y khoa, nó đã lan sang tôn giáo và chính trị.

Bên cạnh đó, công ước nhân quyền Châu Âu không yêu cầu các thành viên cấm tự tử hay chết êm ả, mặc dù nó đề cao quyền được sống của con người.

2. Các quốc gia chưa hợp pháp hóa Luật An tử hoặc quy định một phần

Cho đến hiện tại, chỉ có Bỉ và Hà Lan chính thức hợp pháp hóa Luật An tử. Một số quốc gia ở Châu Âu như Tây Ban Nha vẫn ngầm chấp nhận việc tự tử có sự hỗ trợ nhưng phần lớn không hợp pháp hóa nó. Tại Pháp, cái chết êm ả là bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc thăm dò do Viện IFOP thực hiện từ ngày 10 đến 20/12/2002 thì có đến 88% dân Pháp tán thành việc ban hành một đạo luật cho phép bác sỹ giúp những người mắc bệnh nan y “ra đi” một cách nhẹ nhàng nhằm tránh đau đớn kéo dài nếu họ yêu cầu[4].

* Đan Mạch cho phép bệnh nhân mắc các bệnh nan y tự quyết định dừng việc điều trị; từ ngày 01/10/1992, trong trường hợp bị bệnh không thể cứu chữa khỏi hoặc bị tai nạn nặng, bệnh nhân có thể làm một bản chúc thư y tế mà bác sỹ phải tôn trọng.

*Tại Thụy Điển, “hỗ trợ tự tử” là một tội không bị xử phạt. Trong một số trường hợp bác sỹ có thể rút máy thở của bệnh nhân.

*Tại Anh, cái chết êm ả là bất hợp pháp. Tuy nhiên, vào các năm 1993 và 1994, luật pháp đã cho phép bác sỹ rút ngắn cuộc đời của những bệnh nhân sống nhờ các phương pháp nhân tạo. Tại Ecosse, vào tháng 05/1996, lần đầu tiên một bệnh nhân nữ đã được phép chết.

*Tại Đức, dùng thuốc hỗ trợ để bệnh nhân chết được coi là giết người.

*Tại Châu Mỹ La tinh, Tòa án Colombia đã chấp nhận áp dụng cái chết êm ả vào tháng 05 năm 1997 với những bệnh nhân mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối.

*Tại áo, lần đầu tiên trên thế giới, tháng 07/1996, Thượng viện khu vực phía Bắc đã thông qua một đạo luật hợp pháp hóa cái chết êm ả nhưng Thượng viện nước này lại ra quyết định phủ quyết vài tháng sau đó.

Như vậy, đa phần các nước đều xem hành vi của cái chết êm ả là một tội, có nước không xử phạt nó nhưng lại không thông qua hay ngấm ngầm chấp nhận mà không hợp pháp hóa hay chỉ cho phép cái chết êm ả chủ động.

II. Quy định của Việt nam

Việt Nam- một quốc gia Châu á với những phong tục, tập quán, tôn giáo phương Đông tồn tại tự ngàn đời và đối mặt với thực tế: quyền được chết còn rất xa lạ. Bốn bản Hiến pháp của việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992) đều không quy định cá nhân có quyền được chết. Bộ Luật Dân sự Việt Nam các năm 1995 và 2005 cũng không quy định quyền được chết là quyền nhân thân của con người. Tại kỳ họp thứ 6 và 7 Quốc hội Khóa XI (2004, 2005), Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách năm 2005, vấn đề này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật Dân sự, được các Đại biểu Quốc hội bàn luận rất sôi nổi. Mọi người đều hiểu nó là một việc làm nhân đạo nhưng lại là một vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với đạo lý người á đông hiện nay. Thêm nữa, số lượng bệnh nhân giai đoạn cuối, mắc bệnh vô phương cứu chữa còn ít so với thế giới. Do đó, quyền được chết vẫn chưa được thông qua tại Việt Nam.

Qua đó, chúng ta vẫn đánh giá được: các nhà lập pháp Việt Nam đã quan tâm đến những vấn đề mới, những vấn đề đang tồn tại của xã hội (mà ở đây là một bộ phận không nhỏ giới bác sỹ Việt Nam); đồng thời đã hiểu rõ được bản chất quyền được chết và xác định nó là quyền nhân thân. Tuy nhiên, về mặt khoa học, quyền được chết chỉ được coi là quyền nhân thân khi được quy định trong Bộ Luật Dân sự và tất nhiên sau đó phải được cụ thể hóa thành luật riêng bởi Luật dân sự chỉ là Luật khung. Quan điểm chung hiện nay ở Việt Nam là: việc hợp pháp hóa quyền được chết là vấn đề quá sớm.

III. Những quan điểm cơ bản đang tồn tại về ghi nhận quyền được chết hiện nay

Những quan điểm về quyền được chết được xem là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất vì không chỉ liên quan đến y học mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như: luật pháp, tôn giáo, phong tục, tập quán, chính trị... Ngay cả những nước đã chấp nhận hay hợp pháp hóa an tử vẫn còn nhiều quan điểm chống đối.

1. Những quan điểm phản đối

1.1 Quan điểm của Luke Gormally, Hà Lan năm 1997[5]

Luke Gormally, một nhà khoa học Hà Lan đã đưa ra 7 lý do tại sao không nên hợp pháp hóa cái chết êm ả và tự tử trợ giúp (assisted suicide) như sau:

1.1.1 Sự biện hộ cho cái chết tự nguyện bao hàm cả sự từ chối giáo lý cơ bản để thống nhất luật pháp trong xã hội

Ông cho rằng sẽ thật là đối lập lại cách thức hợp lý nào có ý như là để bảo vệ và ép buộc một trật tự xã hội để thông qua cái chết, dựa vào những biện hộ của nó trên sự tin tưởng rằng cuộc sống đó không đáng sống (thiếu giá trị). Tại sao lại có điều này? Ông lý giải rằng: bởi vì công lý trong xã hội tự thân nó yêu cầu một cách thức không tùy tiện và không đối xử phân biệt việc nhận biết con người là đối tượng của công lý. Nhưng cách thức duy nhất tránh sự tùy tiện đó là phải cho rằng: tất cả con người tồn tại, đơn giản là trong đạo đức, nhân cách của con người đang tồn tại, được cho quyền chữa bệnh và là đối tượng của những quyền con người cơ bản. Nếu công nhận cái chết êm ả sẽ loại trừ nét đặc trưng của loài người chúng ta. Cái chết êm ả là một loại chết chóc, vì thế không thể được thích nghi trong một cách thức hợp pháp để tin tưởng rằng giá trị của con người đang tồn tại là nguyên tắc cơ bản. Do đó, pháp luật trong xã hội không thể được thống nhất một khi yêu cầu xin được chết, từ chối quyền sống của con người vẫn tiếp diễn.

1.1.2 Hợp pháp hóa tự tử trợ giúp còn là một sự không nhất quán với giáo lý cơ bản của một cách thức hợp pháp

Người tự tử (hay cố gắng tự tử) liệu có ý kiến hợp lý nếu chúng ta xem sự cam kết của người giúp đỡ có đối đầu với hành động phạm tội sau khi người đó thất bại trong việc cố gắng tự tử hay không? Như thế thì pháp luật không có sự công bằng trong sự chọn lựa việc tự tử. Liệu có chắc rằng người trợ giúp kia là vì tình bạn, lòng trắc ẩn thương hại hay có mưu đồ tính toán khác. Rõ ràng tự tử trợ giúp không đảm bảo được nó sẽ là một cách thức hợp pháp.

1.1.3 Nếu cái chết êm ả tự nguyện được thông qua thì sau đó hầu hết các lý do có sức thuyết phục để phản đối thông qua cái chết êm ả không tự nguyện đã bị từ bỏ

Nhiều người không đồng ý thông qua cái chết êm ả tự nguyện cũng đồng thời phản đối cái chết êm ả không tự nguyện. Nhưng nếu chúng ta không thể đưa ra một ý kiến hợp lý cho việc yêu cầu một cái chết êm ả là phù hợp cho người được chết mà không dựa vào suy nghĩ rằng người đó còn có một cuộc sống đáng sống, lúc đó, những người chống lại cái chết êm ả tự nguyện sẽ phản đối cái chết êm ả không tự nguyện này. Khoảng cách từ cái chết tự nguyện đến không tự nguyện rất hẹp, do đó không nên thông qua cái chết êm ả tự nguyện.

1.1.4 Sự thông qua cái chết êm ả tự nguyện sẽ khuyến khích hành động cái chết êm ả không tự nguyện

Hai hướng như sau:

· Nó chứng tỏ rằng trong trường hợp đó, những người nói họ mong muốn hạn chế hành động của cái chết êm ả thành cái chết êm ả tự nguyện sẽ nghĩ rằng, nếu họ được cho cái chết êm ả tự nguyện thì không có lý do nào tồn tại cho việc không đồng ý cái chết êm ả không tự nguyện. Do đó, họ bắt đầu đặt kế hoạch cho hoạt động có tính hệ thống của cái chết êm ả không tự nguyện.

· Bởi vì tiêu chuẩn để phân định ranh giới hành động của cái chết êm ả và cái chết là yêu cầu của bệnh nhân phải chứng tỏ được sự minh bạch không thể cứu chữa của bệnh tình. Kinh nghiệm của Hà Lan đã chứng minh sự thật: bị chỉ trích về sự thích nghi của cái chết êm ả tự nguyện (kể cả bằng Luật của Quốc gia hay quy định của y tế), nghĩa là, nó sẽ dẫn đến hành động của cái chết êm ả không tự nguyện một cách rộng rãi.

1.1.5 Cái chết êm ả làm suy yếu dần những thiên chức của bác sỹ và vì thế có thể phá hỏng những truyền thống của y khoa

Mục đích của y khoa không thể thành công nếu bác sỹ không cố gắng bảo toàn sự sống của bệnh nhân đến phút cuối cùng. Lương tâm của bác sỹ không cho phép thực hiện cái chết êm ả.

1.1.6 Sự thông qua cái chết êm ả làm suy yếu đạo lý, thúc đẩy để phát triển sự tiếp cận lòng trắc ẩn thực sự đến sự đau khổ và cái chết

Đây là một điều hết sức nguy hiểm. Từ sự trắc ẩn, vì tình bạn đến mưu mô tính toán, đau khổ và cái chết là rất ngắn. Ban đầu có thể là ý tốt đẹp nhưng sau nó có thể là một âm mưu không lường trước.

1.1.7. Lý do này thuộc về hoạt động lập pháp của Hà Lan. Có 3 Hội đồng đã lập ra vào các năm 1994, 1995 nhưng thực tế đều chống lại cái chết êm ả vì cho rằng nó sẽ làm suy đồi đạo đức con người. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, năm 1993 Hà Lan đã cho phép tự tử trợ giúp, đến năm 2001 thì thông qua Luật An tử. Do đó, lý do này của Gormally chỉ mang tính chất thời gian, không còn ý nghĩa nữa.

Qua những quan điểm trên đã cho thấy, Luke Gormally đã quan tâm đến vấn đề thống nhất pháp luật trong xã hội sẽ gặp khó khăn nếu thông qua cái chết êm ả. Ông đã dự liệu đến những hậu quả của cái chết êm ả và tự tử trợ giúp, mà quan trọng nhất là mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân của chính quốc gia đó. Cũng theo ông, người bác sỹ sẽ mất đi chức năng cơ bản của mình và những giáo lý cơ bản về quyền con người sẽ bị xói mòn.

Tuy nhiên, qua đó cho thấy: ông chưa đánh giá vấn đề theo hướng đa chiều để phân tích, luận giải. Một số hậu quả mà ông nêu ra sẽ được khắc phục nếu Luật An tử quy định một cách nghiêm ngặt vấn đề đó. Nếu như ông thấu hiểu nỗi bức xúc của giới bác sỹ thì có lẽ ông sẽ nghĩ tích cực hơn.

1.2 Một số lý do khác

1.2.1 Dù chúng ta luôn thương xót cho bệnh nhân phải chịu đựng như chị Pretty (Diane Pretty- người bị liệt dây thần kinh vận động xin được chết năm 2001 tại Anh), nhưng việc tạo ra quyền được chết sẽ xói mòn quyền cơ bản được sống, thông qua việc hình thành danh sách những người coi cuộc sống không đáng giá”[6]

Theo chủ quan của người viết, quyền được chết không làm xói mòn quyền cơ bản là được sống. Quyền được chết không chỉ liên quan đến bệnh nhân đó mà còn cả gia đình và xã hội. Người ở giai đoạn cuối của bệnh chịu nhiều đau đớn nếu có sống cũng chỉ thêm khổ, thậm chí nhiều người không biết mình sướng hay khổ nữa. Cho nên nếu họ không muốn gây thêm tốn kém không cần thiết cho gia đình, xã hội thì hãy nên tôn trọng họ. Hơn nữa, mục đích của quyền được chết là làm cho họ không phải sống đau đớn kéo dài, đó là mục đích nhân đạo. Họ không chối bỏ quyền được sống mà vì họ không còn đủ điều kiện đảm bảo sự sống. Điều này khác hẳn với người có điều kiện để sống, bị bệnh có thể cứu chữa được nhưng lại muốn chết, đó mới là trường hợp nên lên án.

Hồng Y Javier Lozano Barragan, người đứng đầu ủy Ban y tế Vaticang tuyên bố hành động gỡ bỏ ống truyền đạm tương đương với hành động giết người trong vụ T.Schiavo (Mỹ): “Cuộc sống con người không phụ thuộc vào cá nhân mà phụ thuộc đấng sáng tạo. Vì thế, chúng ta có điều răn thứ năm không cho phép giết người. Việc khiến người bệnh chết nhẹ nhàng chính là hành động giết người. Bản chất của nền văn minh là người mạnh có nghĩa vụ bảo vệ kẻ yếu. Trong những trường hợp có các nghi ngờ và câu hỏi nghiêm trọng, cơ sở nhận định của chúng ta cần hướng đến sự ủng hộ cuộc sống”[7]. Nói chung, hầu hết các Tôn giáo đều coi trọng sự sống nên việc họ phản đối quyền được chết là điều dễ hiểu. Cũng có nước như Bỉ đa phần dân số đều theo đạo Thiên chúa giáo và việc thông qua quyền được chết không bị phản đối quá gay gắt.

1.2.2 Nếu thông qua cái chết êm ả thì sẽ bị lạm dụng để thực hiện tội ác vô nhân đạo. Tình trạng sẽ lớn hơn ở các nước có hệ thống pháp luật lỏng lẻo, không kiểm soát được tình hình phạm tội

Lý do này đúng và đáng quan tâm khi xây dựng Luật An tử nhưng lại không toàn diện. Một khi đã xác nhận đồng ý nó là quyền nhân thân, tiến hành xây dựng Luật An tử thì tất nhiên phải quan tâm đến vấn đề xây dựng như thế nào để luật ít bị lạm dụng nhất. Bên cạnh đó cần có những văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể và theo dõi sát sao. Nếu đã xác định được tầm quan trọng và hậu quả có thể xảy ra ngay từ đầu thì tất nhiên phải vạch ra biện pháp phòng ngừa, giải quyết vấn đề có khả năng xảy ra. Tất nhiên không có luật nào mới ban hành cũng hoàn hảo và phù hợp với cuộc sống ngay tức khắc được, luật là cuộc sống nhưng cuộc sống lại luôn biến đổi không ngừng. Và phải có những điều kiện nhất định thì một quốc gia mới nên ban hành Luật An tử, ví dụ: không nên ban hành khi quốc gia đang có một hệ thống pháp luật lỏng lẻo, chưa đồng bộ, chồng chéo vì đây là điều hết sức nguy hiểm.

1.2.3 Nếu có Luật An tử, nhiều người bệnh sẽ giảm ý chí, mất tự tin và niềm tin vào cuộc sống. Họ cho rằng đã có Luật này thì không cần điều trị vô ích nữa

Đây là một quan điểm sai lầm. Luật An tử không bắt buộc người bệnh, nhất là bệnh giai đoạn cuối, chịu nhiều đau đớn phải chọn an tử. Muốn hay không muốn là quyền của họ. Họ có quyền được sống, được chữa bệnh nếu họ muốn. Không phải cứ muốn chết là được chết. An tử chỉ là biện pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác, khi rơi vào tình huống y tế không lối thoát và chủ yếu phụ thuộc vào bệnh nhân.

1.2.4 Đa số bác sỹ cho rằng, thực hiện cái chết êm ả là giết người. Chức năng của bác sỹ phải là cứu người

Quan điểm này chỉ đúng khi quyền được chết chưa được công nhận, cái chết êm ả chưa được hợp pháp hóa. Nếu có Luật thì bác sỹ sẽ không phải lo sợ mình sẽ phạm tội. Nếu họ không muốn thì cũng không ai bắt buộc vì bác sỹ có quyền từ chối thực hiện. Hành vi của bác sỹ trong quyền được chết mang tính chất nhân đạo chứ không thể mang toan tính, mưu lợi. Bởi vì xét cho cùng, cứu người hay giúp đỡ một bệnh nhân thoát khỏi đau đớn thì mục đích cuối cùng cũng là mang lại điều tốt đẹp cho bệnh nhân xuất phát từ lương tâm của họ. Do đó, điều mà giới bác sỹ và tất cả chúng ta cần nhìn ra là mục đích cuối cùng của hành vi chứ không nên chỉ đánh giá qua hình thức của hành vi đó. Thực ra, giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn chính là cứu bệnh nhân khỏi sống khổ, đó cũng là cứu người chứ không phải giết người. Nếu cố giúp người bị bệnh vô phương cứu chữa thì chỉ làm họ thêm đau đớn, khi đó, an tử theo yêu cầu là việc đáng làm.

2. Những quan điểm ủng hộ

Những quan điểm chống lại Luật An tử ở trên có những điểm hợp lý và chưa hợp lý như đã phân tích. Từ những điểm chưa hợp lý đó, kết hợp với một số mục đích khác, chúng ta có thể đưa ra một số lý do nên ủng hộ quyền được chết và an tử như sau:

· Hướng đến mục đích tốt đẹp là giúp những bệnh nhân ở trong tình trạng đau đớn kéo dài, bệnh nan y vô phương cứu chữa ở giai đoạn cuối mà sự sống của họ chỉ thêm đau khổ được “ra đi” thanh thản. Đó chính là một cái chết nhân đạo.

· Luật An tử ra đời sẽ giải tỏa nỗi bức xúc của giới bác sỹ trong hoàn cảnh: bệnh nhân đang phải chịu đau đớn kéo dài xin được chết mà họ thì không thể “giết người”. Nếu luật cho phép, họ sẽ có định hướng tốt và có thể yên tâm giúp đỡ bệnh nhân được toại nguyện nếu muốn. Điều này sẽ tốt cho cả bệnh nhân và bác sỹ điều trị.

· Nếu không công nhận quyền được chết, ban hành Luật An tử thì quyền được chết sẽ mãi nằm trong bế tắc và rối rắm bởi nó liên quan đến nhiều lĩnh vực: chính trị, tôn giáo,... Những đề nghị, yêu cầu xin được chết nhiều, thậm chí dai dẳng sẽ kéo cả Tòa án và chính quyền vào cuộc, trở thành “quả bóng” cho các Đảng phái nâng cao uy tín của mình... Tiêu biểu là vụ Schiavo ở Mỹ đã kéo cả Tòa án tối cao Bang Florida, tòa án Liên Bang Mỹ và cả Quốc hội Mỹ vào cuộc. Diễn biến[8]: tháng 2/1990, Schiavo bị tổn thương não sau khi ngất tại nhà; 5/1998, chồng bà gửi đơn xin rút ống truyền dinh dưỡng cho vợ, gây nên một cuộc chiến pháp lý; 2/2000, Tòa án cho phép rút ống; 10/2003, Hạ Viện Florida thông qua “Luật Terri”, cho phép thống đốc ra lệnh ngừng truyền thức ăn cho Schiavo; 9/2004, Tòa án tối cao Florida bác bỏ Luật này; 12/2004 vụ việc đưa lên tòa án tối cao Mỹ; 1/2005, tòa án bác đơn; 3/2005, tòa án Florida một lần nữa cho rút ống; 20/03/2005, Quốc hội thông qua luật khẩn cấp cho phép cha mẹ Schiavo khiếu nại để nối ống truyền... Tất nhiên lý do này chỉ phổ biến ở những quốc gia chưa quy định an tử và thực tế có nhiều bệnh nhân xin được chết.

Khi phân tích những lý do ủng hộ an tử như trên thì không có nghĩa Luật an tử phải ban hành ngay. Không phải vậy. Điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia đã có những yêu cầu cấp thiết và những điều kiện phù hợp hay chưa nữa. Có nhiều nước không công nhận quyền được chết là quyền nhân thân và tất nhiên không ban hành Luật An tử. Có nước công nhận nó là quyền nhân thân nhưng chưa ban hành Luật vì chưa phù hợp hay chỉ chấp nhận hành vi tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ.

  1. Quan điểm của Việt nam hiện nay

Thực tế, tuy Việt Nam không ban hành cụ thể văn bản nào công nhận quyền được chết là quyền nhân thân nhưng bản thân Việt Nam đã công nhận điều này khi đưa nó vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật dân sự 2005. Tuy nhiên, quyền này đã không được thông qua. Ngoài những lý do đã nêu ở trên, có thể rút ra những lý do mang tính đặc trưng riêng của Việt Nam như sau:

3.1 Việc chấp thuận quyền được chết và ban hành Luật An tử sẽ đi ngược lại quan niệm truyền thống Phương Đông: coi trọng sự sống

ở phương Tây, nơi mà truyền thống, đạo lý không quá nặng nề như các nước phương Đông thì quyền được chết phù hợp hơn về mặt thời gian. ở các nước phương Đông, vấn đề coi trọng sự sống còn ảnh hưởng sâu sắc và với thực tế số lượng người xin được chết chiếm số lượng còn ít so với các nước phương Tây thì khó mà chấp nhận cái chết êm ả.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định rằng: sẽ thật là sai lầm nếu quan niệm không chấp nhận quyền được chết cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận nó là một quyền con người. Đa phần vì truyền thống, phong tục mà không chấp nhận nó cho dù nó là một quyền nhân thân. Việc chấp thuận cần có thời gian và phụ thuộc vào những điều kiện thực tế của xã hội tác động nữa. Nếu như không vượt qua được ngưỡng cửa của khái niệm quyền được chết thì sẽ không bao giờ công nhận và hợp pháp hóa nó được.

“Quyền được chết còn phải phụ thuộc tình cảm, đạo lý của mỗi người, mỗi gia đình. Có thể hiểu quyền được chết là quyền tự do của cá nhân. Nhưng vấn đề là người chết có đủ khả năng chịu trách nhiệm về hành vi của mình hay không? Bản thân vấn đề tự do chết còn rất nhiều mâu thuẫn. Thế nào là tự do chết? Khái niệm tự do chết là một khái niệm nằm giữa các mối quan hệ xã hội phức tạp, còn mập mờ giữa pháp luật, tình cảm, tôn giáo...”[9] Việc thay đổi quan niệm truyền thống, nhất là khi liên quan đến sự sống và cái chết thì không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam cũng chưa phù hợp với quyền được chết.

Do đó, quyền được chết là vấn đề nhạy cảm. Vào thời điểm hiện tại chưa phù hợp với đạo lý người á Đông cho dù nó là bức xúc của một bộ phận không nhỏ giới bác sỹ.

3.2 Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn lỏng lẻo, không đồng bộ và chồng chéo.

Trong khi đó, muốn ban hành Luật An tử một trong những yêu cầu là hệ thống pháp luật của nước đó phải nghiêm minh, chặt chẽ và đồng bộ. Có như vậy mới tạo điều kiện cho Luật An tử tránh bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho xã hội. Nếu trong một xã hội mà luật pháp nghiêm minh và người dân có ý thức tuân thủ chặt chẽ những điều được quy định trong pháp luật thì đây là một điều đáng nên làm.

3.3 Kỹ thuật lập pháp của Việt Nam còn thấp.

Điều này thể hiện ở số lượng các văn bản luật được ban hành nhưng không áp dụng được hay bị lãng quên không phải là ít. Luật thiếu tính thực tế, chồng chéo, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm. Để xây dựng các quy định về vấn đề khó như quyền được chết trong Luật An tử cần có kỹ thuật lập pháp cao thì mới hạn chế được việc luật bị lạm dụng vào mục đích xấu. Bên cạnh đó cần học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc xây dựng và áp dụng Luật này. Đây là một lý do khách quan quan trọng để không nên quy định Quyền được chết hiện nay ở Việt Nam.

3.4 Nền kinh tế Việt Nam còn chậm phát triển, kéo theo điều kiện của các cơ sở chăm sóc, khám chữa bệnh y tế còn thấp.

Chúng ta chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển y tế cộng đồng. Trong khi đó, Hà Lan ban hành được Luật An tử một phần vì có nền kinh tế phát triển và họ quan tâm đến việc chăm sóc y tế cho nhân dân, do đó luật không bị lạm dụng nhiều. Nếu Luật An tử được ban hành ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại thì mục đích xấu bị lợi dụng sẽ không chỉ dừng lại ở những bệnh nhân bị bệnh nan y mà đối tượng còn lan rộng sang: người già neo đơn, ốm yếu, người bị thiểu năng trí tuệ hay bị bệnh thần kinh...

3.5 Số lượng bệnh nhân xin được chết ở Việt Nam còn ít so với thế giới và quyền được chết cũng chưa phổ biến nên Luật An tử chưa cần thiết phải ban hành.

Theo chủ quan của người viết, Việt Nam cũng là nơi tập trung nhiều điều bất ổn của thế giới: dịch bệnh, đói nghèo,... Những vùng dịch bệnh, y tế thấp kém đã làm cho ngành y tế Việt Nam đang đương đầu với những thử thách lớn. Nền kinh tế kém phát triển đã kéo theo những hậu quả tất yếu. Quả không sai khi nói rằng kinh tế quyết định chính trị, xã hội. Số lượng bệnh nhân rơi vào các tình huống y tế không lối thoát tuy không có số liệu cụ thể nhưng không phải là số ít. Đó là hậu quả thực tế mà bất cứ ai nếu quan tâm đến các vấn đề xã hội đều có thể nhận ra không quá khó khăn. Chỉ có điều, mọi người chưa biết nhiều, hiểu nhiều về quyền được chết, về an tử nên những trường hợp xin được chết chưa nhiều. Và thực tế, xét ở bất cứ khía cạnh nào thì số lượng các bệnh nhân ở trong các tình huống y tế không lối thoát của Việt Nam cũng còn rất ít so với thế giới. Giới bác sỹ Việt Nam cũng có những bức xúc nhất định, chiếm số lượng không ít. Ví dụ như chưa có quy định chung về hồi sức tim phổi cho bệnh nhân (CPR), mỗi bệnh viện làm một kiểu, hầu hết không thể đồng ý theo ý kiến của gia đình bệnh nhân là không hồi sức nữa hay hồi sức thấp cho bệnh nhân khi bệnh trở nặng và cho về; nhiều trường hợp bác sỹ biết chắc không có kết quả gì nhưng phải làm cho dù tăng tải công việc không cần thiết, kéo dài đau khổ cho bệnh nhân, tăng chi phí điều trị... Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lý do này để ban hành Luật An tử thì chưa đủ và chưa toàn diện bởi muốn ban hành Luật An tử cần nhiều điều kiện hơn thế.

Việt Nam chưa hội tụ đủ những yếu tố cần thiết nên việc ban hành Luật An tử hiện nay là chưa phù hợp. Cũng vì thế mà công trình chỉ dừng lại ở mức độ tìm hiểu về quyền được chết và cái chết êm ả với mong muốn thay đổi một phần quan niệm về vấn đề này. Hy vọng rằng quyền được chết sẽ không còn quá mới mẻ đối với Việt Nam.






[1] Theo Vnexpress.net ngày 11/04/2001

[2] Theo vnexpress.net ngày 16/05/2002

[3] Sẽ trình bày kỹ hơn về vụ án này ở phần các quan điểm ủng hộ quyền được chết.

[4] Theo Vnexpress.net ngày 24/12/2002

[5] Theo euthanasia.com: Euthanasia and Assisted Suicide, Seven Reasons Why They Should Not Be Legalized, Luke Gormally, 1997. Bản dịch Tiếng Việt là của tác giả công trình.

[6] Theo Vnexpress.net ngày 01/09/2001, trích bài phát biểu của Paul Tully, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ Thai nhi Anh Quốc.

[7] Theo bbc.co.uk, Trích bài “Bệnh nhân Terri Schiavo qua đời”, 2005.

[8] Theo Vnexpress.net ngày 22/03/2005

[9] Xem chú thích 1 tại trang 12 của công trình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét